Thị trường thép thế giới ghi nhận những khó khăn kéo dài khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, cùng với đó là sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới, kéo theo sự sụt giảm của các hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu thụ thép phần nào bị chững lại.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Trong bối cảnh khó khăn này, những doanh nghiệp đầu ngành có lợi thế quy mô khép kín, năng lực cạnh tranh cao, tình hình tài chính lành mạnh sẽ là lựa chọn của các nhà đầu tư (NĐT).
Biến động bất thường
Giá thép thế giới và giá quặng diễn biến trái chiều, tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận doanh nghiệp thép. Giá quặng sắt tăng vọt 31% và đạt đỉnh vào đầu tháng 7 sau khi sự kiện vỡ đập của Vale, 1 trong 3 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung quặng sắt toàn cầu. Ước tính, sản lượng quặng sắt khai thác của Vale giảm 10%, tương đương khoảng 40 triệu tấn.
Ngược lại, giá thép thế giới đang có xu hướng giảm mạnh do tình trạng dư thừa nguồn cung. Đặc biệt, việc Mỹ đang liên tục áp đặt rất nhiều các loại thuế quan nhằm bảo hộ nền kinh tế nội địa, đã tạo ra những hàng rào thương mại kỹ thuật đối với các nước xuất khẩu thép, dẫn đến tình trạng tồn đọng hàng hóa.
Bức tranh ngành thép trong nước 8 tháng năm 2019 nhìn chung có phần ảm đạm. Ngoài mặt hàng thép cuộn cán nóng ghi nhận mức tăng trưởng tốt 34%, các mặt hàng còn lại đều có dấu hiệu chững lại, không còn duy trì tăng trưởng 2 chữ số như những giai đoạn trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng toàn ngành đạt 7,1 triệu tấn (tăng 7,5% so với cùng kỳ), nhưng mức tăng trưởng của mảng ống thép chỉ là 1%, thậm chí ghi nhận tăng trưởng âm đối với mảng tôn mạ do tình trạng dư cung và các doanh nghiệp khó khăn trong việc xuất khẩu khi gặp phải rào cản thuế quan Mỹ.
Cụ thể, năm 2018 Mỹ áp thuế 25% đối với các mặt hàng thép nhập khẩu vào quốc gia này. Bên cạnh đó, tháng 9 Mỹ ra quyết định áp thuế 456,23% đối với thép cán gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế. Đi cùng với tăng trưởng sản lượng chững lại, giá bán trung bình thép nội địa cũng đang giảm khoảng 12% so với cùng kỳ.
Ông lớn chiếm ưu thế
Xét về thị phần thép trong 8 tháng năm 2019 không có những thay đổi đáng kể. Ở mảng thép xây dựng, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn tiếp tục dẫn dắt ngành với tổng thị phần trên cả nước duy trì ổn định quanh ngưỡng 25,1% trong 8 tháng. Một điểm đáng chú ý chính là việc thị phần thép xây dựng của HPG tại khu vực miền Nam đang có xu hướng gia tăng, tương ứng với chiến lược “Nam tiến” của doanh nghiệp này thông qua các dự án lớn.
Đơn cử là Khu liên hợp thép Dung Quất với vị trí thuận lợi nằm ven biển miền Trung, sở hữu cảng nước sâu với trọng tải cho phép đạt 200.000 tấn và việc đầu tư 500 tỷ đồng vào cảng Đồng Nai giúp vận chuyển thép vào phía Nam. Với sự đầu tư này, thị phần thép tại khu vực phía Nam của HPG đạt 11,1% so với 5,9% cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, ở mảng ống thép và tôn mạ, HPG và CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vẫn tiếp tục duy trì được vị thế số 1 nhờ vào các lợi thế cạnh tranh riêng. Cụ thể, tính trong 8 tháng, HPG chiếm 30,4% thị phần ống thép, HSG đứng ở vị trí kế tiếp khi chiếm 30,3% thị phần tôn mạ cả nước.
Quay lại về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của các doanh nghiệp thép niêm yết, chính là việc giá nguyên liệu tăng cao, chi phí giá vốn và chi phí lãi vay cao, lợi nhuận giảm sút so với năm trước. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thép tiến hành tái cấu trúc nhằm cắt giảm chi phí và thoái vốn tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Điển hình là HSG liên tục tiến hành thoái vốn ở các lĩnh vực cảng và bất động sản, đồng thời cũng thay đổi mô hình kinh doanh thành mô hình chi nhánh tỉnh.
2 rủi ro
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cộng với những biến động bất thường, cho thấy triển vọng của các doanh nghiệp thép trong giai đoạn 2019-2020 đang chịu 2 rủi ro lớn.
Đầu tiên là thời hạn thuế chống bán phá giá sẽ đáo hạn vào ngày 22-3-2020, dẫn đến rủi ro sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là thị trường nhập khẩu thép Trung Quốc đứng thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc, chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu của quốc gia này.
Rủi ro thứ hai là từ năm 2018, các doanh nghiệp thép nội địa đẩy mạnh gia tăng công suất, quy mô sản xuất thép. Do hình thức đầu tư mạnh mẽ này đều thông qua vốn vay nên dẫn đến tình trạng chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận.
Nguồn tin: Saigondautu