Trong vụ án Khuất Văn Phú (cựu giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Dương) lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng, tài sản đảm bảo là thật. Ngân hàng xác định các bên đã thỏa thuận xử lý nợ, bán thép khấu trừ nợ cũ nhưng việc giá thép giảm mạnh, trượt giá dẫn đến không đủ bù đắp cho khoản nợ mới.
Lập khống hồ sơ vay tiền
Theo cáo trạng truy tố, từ tháng 6/2008 đến tháng 4/2009, Khuất Văn Phú (1963, ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) đã dùng thủ đoạn gian dối, ký hợp đồng mua bán thép, tạo dựng bộ hồ sơ khống để vay tiền, chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Bị cáo đã bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Nguyễn Văn Ngọc (Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nghệ An; Giám đốc Công ty cổ phần Thép mới) lập hồ sơ vay tiền ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Ngày 11/9/2008, Khuất Văn Phú ký hợp đồng mua bán thép khống với Công ty Thép mới và Công ty Tân Nghệ An số lượng 1,7 triệu kg thép tấm cán nóng.
Tổng giá trị hợp đồng là 23,1 tỷ đồng. Công ty Thép Mới lập các phiếu thu khống, xuất hóa đơn khống, biên bản giao nhận hàng hóa để bị cáo Phú sử dụng hợp thức hóa hồ sơ vay vốn. Công ty Phú Dương được giải ngân số tiền 16,1 tỷ đồng. Số tiền trên Khuất Văn Phú sử dụng đảo nợ cho ngân hàng khác tại TP. HCM.
Với thủ đoạn tương tự, bị cáo Khuất Văn Phú tiếp tục lập hồ sơ mua bán khống với Lê Anh Nguyên, Giám đốc Công ty Lê Tôn và Hoàng Tuấn Lê, Giám đốc Công ty Tân Nghệ An để vay 13,9 tỷ đồng.
Cơ quan truy tố cáo buộc bị cáo còn chiếm đoạt số tiền 13,9 tỷ đồng của ngân hàng. Hiện nay không còn tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Các bị cáo Nguyễn Văn Ngọc, Lê Anh Nguyên, Hoàng Tuấn Lê ký khống các biên bản kiểm kê tài sản gửi kho, lập khống hợp đồng thuê kho 3 bên giúp Khuất Văn Phú hợp thức hóa hồ sơ. Quá trình điều tra, một ngân hàng đã rút đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bị cáo.
Cơ quan điều tra xác định, các cán bộ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra tài sản đảm bảo, ký duyệt giải ngân không phát hiện hành vi gian dối. Tuy nhiên, họ đã chủ động tố giác hành vi phạm tội của các bị cáo nên không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lừa đảo hay cấn nợ?
Trình bày tại tòa, ngân hàng thừa nhận có 2 giai đoạn thẩm định. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp có tài sản thật. Đến khi doanh nghiệp vỡ nợ, các ngân hàng đến tranh nhau kho hàng và thành lập đoàn kiểm tra thẩm định lần thứ 2.
Theo đó, các bên thỏa thuận xử lý nợ, bán thép khấu trừ nợ cũ nhưng việc giá thép giảm mạnh dẫn đến không đủ bù đắp cho khoản nợ mới. Các bị cáo thừa nhận rút hàng hóa ra bán nên ngân hàng làm đơn tố cáo.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, vào thời điểm kinh tế suy thoái, thị trường thép giảm mạnh, công nợ trồi lên, doanh nghiệp phải lập ra các thủ tục mua đi bán lại, tạo các hợp đồng kinh tế làm căn cứ vay tiền tín dụng mà tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay. Như vậy, doanh nghiệp buộc phải thực hiện hành vi gian dối, dù hàng hóa là có thật.
“Nếu cơ quan tố tụng không chấp nhận hướng đi này thì phải xem xét đến thực tế là giao dịch được thiết lập trong khuôn khổ quy định của Luật Tín dụng.
Doanh nghiệp không “thò tay” vào ngân hàng lấy tiền. Việc chuyển tiền theo một trình tự thủ tục, có thẩm định, xét duyệt, giải ngân, theo dõi, giám sát sử dụng vốn. Nếu có xâm phạm, những người vận hành cơ chế đó cũng phải chịu trách nhiệm”, luật sư Hưng nói thêm.
Ở khía cạnh khác, vụ án này là điển hình của hành vi đảo nợ. Mới đây, từ ngày 15/3/2017, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực đã chính thức bỏ quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627. Đồng nghĩa các ngân hàng không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác. Như vậy, sẽ không còn “khoảng trống” pháp lý để các bên lợi dụng thực hiện như trường hợp vụ án kể trên.
Nguồn tin: ĐTCK