Ra đời sau sàn giao dịch chứng khoán, các sàn giao dịch hàng hóa VN đến nay có tuổi mới 2-3 năm nhưng đang rơi vào cảnh phát triển èo uột, ế ẩm.
Kênh đầu tư tài chính non trẻ này đang bộc lộ nhiều bất cập sau thời gian thí điểm.
Sàn giao dịch hàng hóa VNX có rất ít khách đến giao dịch -Ảnh: Đình Dân |
Khảo sát một vòng tại một số sàn giao dịch như VNX, BCEC, STE... không khí tại các sàn vẫn ảm đạm, lác đác các nhà đầu tư tham gia chủ yếu để thăm dò tình hình.
Thua lỗ
Tại sàn giao dịch hàng hóa VNX (thuộc Sở Giao dịch hàng hóa VN) - sàn đầu tiên được Bộ Công thương cấp phép, dù đang vào giờ hành chính nhưng những bảng điện tử không buồn mở, những dãy ghế dành cho khách hàng đến giao dịch trống không. Sàn VNX ra đời từ tháng 9-2010, bắt đầu có giao dịch từ tháng 3-2011, cho đến nay trên sàn này chỉ niêm yết hợp đồng tương lai của ba nhóm hàng là cà phê, cao su và thép. Theo báo cáo của VNX, trong quý 1-2012 tổng khối lượng giao dịch hợp đồng của VNX chỉ đạt 12.000 lot (đơn vị tính trên sàn giao dịch), tương đương tổng giá trị giao dịch hợp đồng hơn 530 tỉ đồng. Năm 2011, tổng khối lượng giao dịch của VNX chỉ đạt trên 93.000 lot với tổng giá trị giao dịch hơn 7.300 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là giao dịch cà phê, cao su thì ít, riêng nhóm thép gần như chưa có giao dịch.
Số lượng tài khoản mở tại các thành viên của VNX tính đến tháng 3-2012 cũng chỉ nằm ở mức 1.981 tài khoản. Theo VNX, các chủ đầu tư chỉ là cá nhân và tham gia chủ yếu để tìm hiểu, thăm dò thị trường. Ông Trần Duy Phương - tổng giám đốc VNX - cho hay: “Trong giai đoạn này sàn còn gặp nhiều khó khăn như số lượng nhà đầu tư hạn chế, tính thanh khoản thấp nên giao dịch chủ yếu chỉ là nhà đầu tư cá nhân chứ chưa khai thác được các tổ chức”.
Tương tự, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tổ chức giao dịch kỳ hạn mặt hàng cà phê trong thời hạn một năm bắt đầu từ tháng 3-2011. Theo số liệu từ BCEC từ tháng 3-2011 đến 12-2011, tổng khối lượng giao dịch của sàn này chỉ đạt hơn 7.000 lot với tổng giá trị giao dịch trên 600 tỉ đồng. Mới đây Chính phủ vừa cho phép BCEC gia hạn thí điểm đến hết năm 2012, tuy nhiên trung tâm này đang đối mặt với khó khăn khi doanh nghiệp trong nước không mặn mà với sàn này và bản thân người trồng cà phê không tin tưởng.
Tại sàn giao dịch hàng hóa Sơn Tín (STE) thuộc Sacombank nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM không khí cũng ảm đạm không kém. Giám đốc STE Phan Vũ Hùng cho biết: “Chúng tôi triển khai sàn giao dịch hàng hóa đã ba năm nay, mặc dù chưa năm nào bị lỗ như các sàn khác nhưng lợi nhuận đưa về quá thấp”. STE cho biết sàn giao dịch ba mặt hàng là sắt thép, phân bón và hạt nhựa. Lượng giao dịch sắt thép trên sàn STE năm 2010 khoảng 250.000 tấn, năm 2011 còn 180.000 tấn, đặc biệt trong bốn tháng đầu năm nay giao dịch rất ảm đạm, chỉ đạt tầm 80.000 tấn. Còn phân bón và hạt nhựa thì số lượng giao dịch không đáng kể.
Nhiều bất cập
Thực tế khó khăn của các sàn giao dịch hàng hóa hiện nay không chỉ ở sự quay lưng của nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước mà còn ở hàng loạt bất cập trong pháp lý và phương thức hoạt động của các sàn.
Ông Phạm Đình Thưởng - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) - thừa nhận trong vấn đề pháp lý đối với lĩnh vực sàn giao dịch hàng hóa còn tồn tại quá nhiều bất cập cản trở sự phát triển. Như trong quy định về hạn mức giao dịch đã hạn chế tổng mức giao dịch trên sàn hàng hóa không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hóa đó được sản xuất tại VN vào năm trước. Hạn mức giao dịch của một thành viên cũng không được vượt quá 10% tổng hạn mức giao dịch quy định tại điều trên.
Ông Trần Duy Phương cho biết phía VNX đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ có ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch hàng hóa phái sinh này. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định một loại hình tài khoản chuyên biệt dành cho công cụ giao dịch hàng hóa. “Tôi nghĩ chúng ta cũng bắt buộc phải có yếu tố các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sàn giao dịch hàng hóa mới cải thiện được tính thanh khoản, tính đa dạng cho hoạt động giao dịch thông qua sở. Vì vậy cần có tài khoản để quản lý việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia mua bán tại sở giao dịch hàng hóa ở VN”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Hải (tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN): Chúng tôi còn dè dặt Hiện tại chúng tôi có khoảng 40 nhà máy đường và sáu công ty thương mại có tham gia Hiệp hội Mía đường. Vừa rồi chúng tôi có nhận được văn bản của Bộ Công thương yêu cầu có ý kiến về đề nghị tham gia sàn giao dịch hàng hóa của Tập đoàn Đại Dương. Chúng tôi cũng hơi dè dặt và cần có thời gian để làm rõ hơn. Thật sự nếu các sàn có độ tin cậy nhất định thì chúng tôi mới có thể tham gia. |
Nguồn tin:Tuổi Trẻ