Tình hình cạnh tranh sản phẩm thép trong nước sẽ càng gay gắt khi sắp tới sản lượng thép tiếp tục tăng thêm trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng và thấp hơn nhiều so với nguồn cung.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu tháng 6 tới, ba nhà máy sản xuất thép lớn ở phía Bắc gồm Thép Thánh Lực (Thái Bình), Thép Hòa Phát (Hải Dương) và Thép Việt Đức (Vĩnh Phúc) sẽ đi vào sản xuất với tổng sản lượng thép khoảng 1 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA, cho biết trong khi mức tiêu thụ thép cả nước hiện chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn/năm, việc có thêm 1 triệu tấn thép từ ba nhà máy trên đã nâng tổng công suất sản xuất thép của cả nước lên 8 triệu tấn/năm, đẩy tình hình cạnh tranh sản phẩm thép xây dựng trên thị trường trong nước thêm phần quyết liệt.
Theo ông Nghi, ngoài ra còn phải kể đến số lượng thép nhập khẩu đang ở mức khá cao. Riêng trong 5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu khoảng 35.000 tấn, bán ra với giá thấp hơn giá thép sản xuất trong nước khoảng 500 – 700 ngàn đồng/tấn.
Thép nhập khẩu chủ yếu là thép xây dựng (loại phi 6, phi 8) được nhập từ các nước ASEAN (chiếm 53%), Trung Quốc (trên 20%), còn lại từ các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép như thép có đường kính dưới 14 mm, thép hoặc sắt không hợp kim cán phẳng có chiều rộng dưới 600 mm chưa phủ, mạ hoặc tráng và một số loại khác. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 5-7 và hết hiệu lực vào ngày 31-12-2010.
Theo nhận định của Phó chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với các sản phẩm thép của Bộ Công Thương sẽ giúp kiểm soát tình trạng thép kém chất lượng nhưng lại nhập ồ ạt vào Việt Nam.
Trước đó, VSA cũng đã đề nghị ngành hải quan kiểm tra chặt các thủ tục, quy định về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm thép đạt chất lượng mới cho thông quan…
Về tình hình tiêu thụ thép trên thị trường hiện nay, ông Nghi cho biết tiêu thụ thép trong tháng 5 tiếp tục giảm, ước đạt khoảng 260 ngàn tấn, tương đương 86% so với mức tiêu thụ tháng 4 và không bằng một nửa so với mức tiêu thụ đến 570 ngàn tấn hồi tháng 3.
Do tiêu thụ giảm, hầu hết các nhà sản xuất thép trong nước đã phải giảm sản lượng, hạ giá bán xuất xưởng dưới 13,5 triệu đồng/tấn với hy vọng tăng sức mua ngoài thị trường.
Ông Nghi dự báo lượng thép tiêu thụ trong tháng 6 sẽ tăng trở lại khi các đại lý cấp 1, các doanh nghiệp thương mại tiêu thụ hết lượng thép tồn kho trữ từ tháng 3.
TBKTSG Online