Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản lượng thép thế giới quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua

 Sản lượng thép toàn cầu đã giảm 1,4% trong tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước, là lần đầu tiên giảm trong vòng hơn một năm qua, và có khả năng còn tiếp tục giảm trong những tháng tới do Trung Quốc nỗ lực kiềm chế sản xuất để giảm ô nhiễm.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), sản lượng thép thô toàn cầu tháng 8/2021 giảm xuống còn 156,8 triệu tấn trong tháng 8, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2020.

Sản lượng thép thế giới quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua - Ảnh 1.

Sản lượng thép thô thế giới

Dữ liệu cho thấy sản lượng tại Trung Quốc chỉ đạt 83,2 triệu tấn, giảm 4,1% so với tháng 7 và giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Sản lượng thép thô trung bình theo ngày ở nước này trong tháng 8 chỉ dao động quanh mức 2,69 triệu tấn, giảm so với con số 2,8 triệu tấn trong tháng 7.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng của nước này vẫn tăng 5,3% lên 733 triệu tấn.

Sản lượng thép thế giới quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua - Ảnh 2.

*64 thị trường thành viên của WorldSteel, chiếm khoảng 98% sản lượng thép thô toàn cầu

Đầu tháng này, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết đã có kế hoạch bổ sung thêm nhiều thành phố vào danh sách các địa phương thực hiện chiến dịch chống ô nhiễm không khí trong mùa đông năm 2021, khi Bắc Kinh cần làm sạch bầu trời đầy khói bụi để tổ chức Olympic mùa đông.

Trong tháng 8, khi sản lượng của Trung Quốc giảm thì một số quốc gia khác tăng sản lượng do giá thép cao và nhu cầu mạnh làm tăng lợi nhuận của ngành này.

Cụ thể, sản lượng thép ở Nhật Bản tăng 22,9% trong tháng 8 so với cùng tháng năm 2020, trong khi sản lượng của Mỹ tăng 26,8% và Ấn Độ tăng 8,2%.

Ông Caroline Bain cho biết: "Ấn Độ là nước được hưởng lợi khi Trung Quốc nỗ lực giảm sản lượng – khiến xuất khẩu thép sang Ấn Độ giảm".

Sản lượng thép thế giới quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm qua - Ảnh 3.

Sản lượng thép của top 10 nước sản xuất hàng đầu (*Số ước tính)

Do sản lượng thép của Trung Quốc giảm nên xuất khẩu thép từ nước này trong tháng 8 cũng giảm 10,9% so với tháng 7/2021, mặc dù tăng 37,4% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép Trung Quốc đạt 48,1 triệu tấn, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi nhập khẩu thép vào nước này đạt 1,06 triệu tấn, tăng 1,3% so với tháng liền trước và giảm 52,5% so với tháng 8 năm 2020; nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm là 9,46 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu thép trong tháng 8 tăng mạnh. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng liền trước, còn so với cùng kỳ năm trước thì trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỉ USD.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước. Xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%. Ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần và sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất là thép cán nóng (HRC), tăng 145% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ Formosa thúc đẩy xuất khẩu, tiếp theo là tôn mạ với mức tăng trưởng 115%. Trong khi 5 doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu xuất khẩu từ 50 đến 67% sản lượng sản xuất, xuất khẩu thép cuộn cán nguội tăng 45% và thép xây dựng tăng 27%, chỉ có ống thép giảm gần 10%.

Số liệu từ hiệp hội cho thấy 54% sản lượng thép mạ ở Việt Nam được xuất khẩu. Tỷ lệ này ở HRC là gần 20% và thép xây dựng là hơn 16%.

Hiệp hội cho biết xuất khẩu ngày càng khởi sắc do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường tăng trong nhiều tháng qua, đặc biệt sang EU tăng mạnh nhờ tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội từ hiệp định này, đẩy mạnh xuất khẩu nhờ tạo thuận lợi thương mại.

Về triển vọng sản lượng thép thế giới từ nay đến cuối năm, các chuyên gia nhận định nếu sản lượng thép Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm như kế hoạch của nước này, sản lượng thép toàn cầu có thể sẽ giảm nữa, nhất là khi giá thép đang dần hạ nhiệt.

 

Caroline Bain, người phụ trách mảng kinh tế hàng hóa của Capital Economics, cho biết: "Do các nhà chức trách ở Trung Quốc đang tích cực khuyến khích các nhà máy thép giảm sản lượng, nhiều khả năng sản lượng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới". Tuy nhiên, ông cho rằng: "Vẫn còn phải chờ xem liệu các nhà chức trách Trung Quốc có thể thực hiện đúng những chủ trương đó hay không, đặc biệt là nếu giá cả tăng cao hoặc bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt."


Nguồn tin: Cafef

 

ĐỌC THÊM