Ngành thép thế giới năm nay sẽ chứng kiến sự kiện lần đầu tiên xảy ra kể từ hơn một thập kỷ nay, sản lượng giảm do công suất sử dụng thấp, trong bối cảnh nhu cầu trì trệ bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.
Dự báo nhu cầu thép thế giới năm 2009 sẽ giảm xuống 1,171 tỷ tấn, và sẽ chỉ hồi phục nhẹ lên 1,255 tỷ tấn vào năm 2010, với nhu cầu của châu Á đang suy giảm - lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997.
Sản lượng thép thô toàn cầu năm nay dự báo sẽ giảm 9% xuống 1,210 tỷ tấn - lần giảm đầu tiên kể từ năm 1998. Tổng sản lượng thép thế giới dự báo sẽ giảm 12% trong năm 2009.
Suy thoái kinh tế đã tác động xấu tới nhu cầu ở các lĩnh vực tiêu thụ thép chính trong năm 2008, như ngành ô tô và ngành xây dựng. Kết quả là các nhà sản xuất trên toàn cầu đều buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng, giảm cả việc làm và các kế hoạch đầu tư cũng bị xếp xó.
Tuy nhiên, nhờ tăng mạnh trong nửa đầu năm bù lại cho những tháng cuối năm nên tính chung trong năm qua, sản lượng thép thế giới cũng chỉ giảm khoảng 1%, xuống mức 1,33 tỷ tấn, sovới 1,35 tỷ tấn năm 2007 - mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Thế giới, vào tháng 12/2008, sản lượng thép thế giới đã giảm khoảng 24%, và xu hướng này dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn trong những tháng tiếp theo.
Nhà phân tích Michael Shillaker thuộc hãng Credit Suisse dự báo tốc độ giảm sản lượng trong quý I và II năm 2009 sẽ không cao như tháng 12/2008, song nếu so với cùng quý năm ngoái, sản lượng vẫn giảm khá mạnh.
Tuần trước, hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới, ArcelorMittal, thông báo họ đang cắt giảm khoảng 45% sản lượng, so với mức giảm khoảng 35% hồi tháng 9 năm ngoái. Hãng này dự kiến tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất sẽ vẫn ở mức 55 – 60% trong quý I năm nay, so với mức trên 90% khi nhu cầu đang bùng nổ. Hãng hy vọng tỷ lệ này sẽ hồi phục vào quý II và 6 tháng cuối năm 2009, khi các nhà máy thép trở lại sản xuất. Tuy nhiên, mức độ hồi phục sẽ không đủ để đưa sản lượng và tiêu thụ trở lại mức cao kỷ lục như năm 2007, và tình hình sẽ chỉ bình thường trở lại kể từ năm 2011.
Giá thép bắt đầu giảm mạnh từ giữa năm 2008, khi suy thoái kinh tế toàn cầu hiện ra rõ nét, làm giảm hoạt động ở nhiều ngành sản xuất sử dụng thép làm nguyên liệu chính.
Tiêu thụ ô tô của hãng Toyota, hãng sản xuất ô tô số 1 thế giới, đã giảm 34% và lần đầu tiên trong lịch sử kinh doanh 70 năm, hãng này bị lỗ lớn. Tình cảnh ở châu Âu cũng tương tự, với lượng ô tô mới bán được giảm 27% trong tháng 1 năm nay. Ngay cả ở châu Á, bao gồm Trung Quốc – nơi đã từng được coi là động lực tăng trưởng của khu vực - triển vọng hoạt động của ngành ô tô cũng rất mờ mịt. Châu Á đang bị cuốn vào cơn lốc khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Tại châu Á, các thị trường từ xây dựng tới chế tạo, sản xuất đồ dùng, ô tô… tất cả đều u ám.
Các nhà phân tích tính toán rằng tiêu thụ thép ở Trung Quốc năm 2009 sẽ chỉ đạt 431 triệu tấn, và sẽ chỉ hồi phục lên 469,2 triệu tấn vào năm 2010.
Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ thép thế giới -mấy năm gần đây đã tăng mạnh sản xuất mặt hàng này, kéo theo tăng lượng quặng sắt nhập khẩu, đẩy giá cước phí vận tải biển toàn cầu tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu từ châu Á giảm mạnh do thiếu vắng những khách hàng lớn, suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu, triển vọng hồi phục giá cước phí vận tải chưa thấy khả quan chút nào.
Chính phủ các nước trên toàn cầu đều đang chuẩn bị những gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chi tiêu, tránh suy thoái kinh tế hơn nữa. Song dự báo thị trường sẽ chưa sớm nhận được những cú huých từ chương trình chi tiêu của Trung Quốc.
(Vinanet)