Reuters dẫn số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy sản lượng thép thô tháng 6 của nước này tăng 1,1% so với tháng 5 và 0,4% so với một năm trước đó, do giá thép tăng, khuyến khích các nhà máy tăng sản lượng.
Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã sản xuất 91,11 triệu tấn thép vào tháng trước, cao hơn 90,12 triệu tấn được sản xuất vào tháng 5 và 90,73 triệu tấn trong cùng tháng năm 2022.
Sản lượng thép trung bình hàng ngày trong tháng 6 đạt khoảng 3,04 triệu tấn, tăng từ 2,91 triệu tấn trong tháng 5 và cao hơn 3,02 triệu tấn vào tháng 6 năm 2022.
Ông Pei Hao, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới quốc tế FIS có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, sản xuất từ cả các nhà sản xuất thép dựa trên lò cao và các nhà máy thép dựa trên lò hồ quang điện (EAF) đều tăng nhờ biên lợi nhuận khá, góp phần nâng cao sản lượng chung trong tháng trước.
Công suất lò cao thực tế của 247 nhà sản xuất thép được khảo sát đã tăng lên 92,11% vào cuối tháng 6 từ 89,93% vào cuối tháng 5, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Trong khi đó, công suất lò hồ quang điện của 34 nhà máy được khảo sát đã tăng lên 42% vào cuối tháng 6, tăng từ 37% vào cuối tháng 5.
Dữ liệu của NBS cho thấy Trung Quốc đã sản xuất 535,64 triệu tấn thép trong nửa đầu năm nay, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà phân tích dự đoán sản lượng thép sẽ tăng trong tháng 7 mặc dù trung tâm sản xuất thép hàng đầu là thành phố Đường Sơn yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng từ 30% đến 50% trong tháng này để cải thiện chất lượng không khí.
Ông Alistair Ramsay, phó chủ tịch của Rystad Energy Metals cho biết: “Vì giá dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi vào tháng 7 sau những nỗ lực gần đây nhằm thắt chặt thị trường, nên sản xuất chắc chắn sẽ phục hồi từ mức tương đối thấp. Chúng tôi cũng dự đoán sản lượng hàng ngày sẽ tăng trở lại trên 3 triệu tấn, nghĩa là tổng sản lượng tháng 7 đạt hơn 93 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 3”.
Ramsay cho biết thêm, 2023 có thể là năm đầu tiên sản lượng thép Trung Quốc tăng kể từ 2020. Không giống như hai năm trước, cho đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố kế hoạch giới hạn sản lượng hàng năm để giảm lượng khí thải carbon, khiến thị trường đồn đoán rằng liệu điều này sẽ đến muộn hơn bình thường trong năm nay hay không.
“Có thể năm nay sẽ không có mục tiêu sản lượng; chính quyền trung ương cảnh giác hơn với bất kỳ chính sách kinh tế nào không trực tiếp hỗ trợ GDP.Sẽ có áp lực giảm sản lượng nửa cuối năm. Nhưng điều đó không đủ để xóa sạch mức tăng trong nửa đầu năm”, ông Tomas Gutierrez, người đứng đầu dữ liệu tại công ty tư vấn Kallanish Commodities cho biết.
Theo S&P Global, giá quặng sắt châu Á có khả năng chứng kiến quý III giảm do nhu cầu của các nhà máy thép Trung Quốc được dự báo sẽ yếu trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt và biên lợi nhuận thấp.
Trong khi đó, thị trường cũng không quá lạc quan trước tuyên bố của chính phủ Trung Quốc trong việc đưa ra các biến pháp hỗ trợ mới đối với thị trường bất động sản.
Chỉ số theo dõi giá quặng sắt của Platts (IODEX) dao động trong phạm vi rộng khoảng 97,35 - 122,4 USD/tấn trong quý II. Điều này phản ánh sự biến động của giá quặng sắt vận chuyển bằng đường biển do nguồn cung giao ngay từ các công ty khai thác giảm và các yếu tố kinh tế vĩ mô như Fed tăng lãi suất dẫn đến chi phí tài chính cao.
Diễn biến chỉ số giá quặng sắt 62%FE Trung Quốc từ đầu năm đến tháng 6 (Nguồn:S&P Global)
Chỉ số giá quặng sắt 62% Fe tại miền Bắc Trung Quốc ngày 24/5 ở mức thấp nhất trong 6 tháng là 97,35 USD/tấn, sau đó phục hồi lên 111,6 USD/tấn vào ngày 30/6. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn 12% so với cuối quý I, theo dữ liệu từ S&P Global.
Nhu cầu quặng sắt khó có thể tăng trong quý III trừ khi các nhà máy thép nhận thấy thấy dấu hiệu rõ ràng hơn về nhu cầu thép quay trở lại mức có thể hỗ trợ biên lợi nhuận sản xuất.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy tổng số giao dịch đối với các lô hàng quặng chất chất lượng trung bình trong quý II của các công ty khai thác lớn BHP, Rio Tinto và Vale đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rio Tinto giảm khối lượng hàng giao ngay trong quý II nhưng tăng hợp đồng giao sau dài hạn.
Nhu cầu quặng sắt chất lượng cao từ Brazil giảm trong quý II mặc dù biên lợi nhuận sản xuất thép dần cải thiện hồi cuối tháng 4. Hầu hết nhà máy thép của Trung Quốc ưu tiên sử dụng quặng sắt phẩm cấp thấp và trung bình trong giai đoạn này do rủi ro lợi nhuận bị xói mòn nhanh chóng trong bối cảnh giá thép giảm.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy nguồn cung từ mỏ quặng sắt Carajas của Vale tăng mạnh trong quý II khi mỏ này bán được 8 lô hàng giao ngay, so với 7 lô hàng cùng kỳ năm ngoái. Tổng khối lượng giao dịch tăng 23% lên 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ, điều này cho thấy nguồn cung tăng.
Nguồn tin: Vietnambiz