Một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm thép bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất trong thời gian qua là do tầm quan trọng của ngành này đối với nền kinh tế.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong vòng khoảng 20 năm (giai đoạn từ 1994 đến 2012), các thành viên của WTO đã tiến hành khởi xướng 789 vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép trên tổng số hơn 4.000 vụ điều tra chống bán phá giá.
Đây là số liệu thống kê của Hệ thống cảnh báo sớm của Việt Nam được tổng hợp từ các Báo cáo thường niên của các quốc gia thành viên WTO.
Việt Nam cũng là một trong những nước bị điều tra chống bán phá giá, với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau trên thế giới từ 1994 đến tháng 3-2013, trong đó số lượng các vụ việc mà sản phẩm đối tượng là thép là khoảng 15 vụ việc (28%).
Riêng trong 3 năm gần đây (từ 2011 đến 2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép (ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, thép cuộn nguội, ống thép các bon, thép cuộn nguội, thép cuộn không gỉ, mắc áo thép, tháp điện gió). Điều này cho thấy xu hướng điều tra đối với sản phẩm này đang gia tăng.
Lý giải cho việc sản phẩm thép trở thành đối tượng thường bị điều tra chống bán phá giá, theo Cục Quản lý cạnh tranh, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ sự phong phú về chủng loại sản phẩm. Do vậy, khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại này bị điều tra chống bán phá giá là khá cao.
Một nguyên nhân khác có thể kể đến là tầm quan trọng của ngành thép đối với nền kinh tế. Như đã thống kê, hầu hết các sản phẩm thép bị điều tra đều là các sản phẩm xây dựng, có giá trị kinh tế. Do đó, khi có dấu hiệu về hành vi bán phá giá, các doanh nghiệp sản xuất và cơ quan có thẩm quyền sẽ nhanh chóng phát hiện và tiến hành điều tra.
Nguồn tin: Hải quan