Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản xuất kinh doanh thép: Chủ động trước nhiều thách thức mới

Việt Nam (VN) đặt mục tiêu tăng GDP từ 7 - 7,5% trong năm nay, đồng nghĩa với nhiều công trình đầu tư lớn sẽ được triển khai như xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình dân dụng, công trình công nghiệp... Do vậy, ngành sản xuất và tiêu thụ thép sẽ phải tăng trưởng chẳng những nhanh mà còn phải bền vững để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, cho dù ngành tiếp tục phải đối mặt với không ít bất lợi cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhiều bất lợi trong năm mới

Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, sản lượng thép tiêu thụ năm nay tăng 8 - 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Với năng lực thép xây dựng, cả nước đã đạt 7,83 triệu tấn/năm, nhưng dự kiến cả năm 2011, toàn ngành cũng chỉ sản xuất 6 triệu tấn, cộng với 1 triệu tấn thép nhập khẩu (NK) và trừ đi xuất khẩu (XK) 200 nghìn tấn, vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất thép năm nay vẫn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, giá điện, than, xăng dầu cùng nhiều nguyên liệu khác có xu hướng tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của thép nội với thép NK. Đặc biệt, sự bảo hộ thuế quan giảm theo lộ trình gia nhập WTO của VN và các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký, cùng với tình hình dư thừa thép thế giới sẽ tạo thuận lợi cho thép ngoại, nhất là thép Trung Quốc tràn vào. Bên cạnh đó, giá thép trong nước sẽ tiếp tục biến động khó lường và phụ thuộc vào giá thế giới, bởi 2 nguyên liệu chính của ngành thép là quặng sắt và than cốc nằm ở một số ít nước do tính độc quyền cao luôn muốn đẩy giá lên.

Ngoài ra, một thực tế đáng báo động là thị trường thép VN vẫn tồn tại tình trạng DN nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu về sử dụng. Theo kết quả khảo sát mới đây cho thấy, tỷ lệ DN thép áp dụng công nghệ tiên tiến công suất từ 250- 400 nghìn tấn/năm chỉ tăng từ 25% lên 30%, hàng trăm DN nhỏ lẻ vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu là các nhà máy cán sử dụng thiết bị tự tạo, công suất 5- 20 nghìn tấn/năm.

Quan trọng nhất là chủ động công nghệ và nguyên liệu

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, một thị trường hẹp như VN mà có quá nhiều dự án đầu tư sản xuất thép, về lâu dài sẽ khiến cán cân cung - cầu bị chênh lệch. Với công nghệ sản xuất lạc hậu, ngành thép gây tác động xấu đến môi trường, cộng với chi phí sản xuất lớn, khiến sản phẩm thép trong nước thường bị thép ngoại "đe dọa". Cơ quan quản lý không ngừng khuyến cáo DN áp dụng công nghệ mới, còn đại diện VSA liên tục cảnh báo thách thức hội nhập và cạnh tranh trên thị trường thép nhưng DN hình như chưa nhìn thấy nguy cơ.

Theo kiến nghị của VSA để bảo vệ DN trong nước, năm qua Bộ Công Thương đã ban hành hai Thông tư 22 và 31 về áp dụng giấy phép NK tự động với một số sản phẩm thép trong nước đã thừa công suất để các bộ ngành thống kê chính xác số lượng, chủng loại. Nhưng, dường như hai Thông tư này chưa phát huy hiệu quả, vì thực tế lượng thép NK năm 2010 không giảm mà còn tăng, trung bình 45.000 tấn/tháng. Do đó, Bộ lại ban hành thông tư gia hạn áp dụng giấy phép NK tự động với một số sản phẩm thép đến hết năm 2011.

Song nhiều chuyên gia cho rằng, đã mấy năm hội nhập mà DN thép vẫn xin bảo hộ là tín hiệu đáng lo bởi việc tăng thuế bảo hộ sản xuất trong nước chỉ có giới hạn. Tiếp tục bảo hộ sẽ không thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh. Thực tế cho thấy, những chính sách đưa ra chỉ như một giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn trước mắt. Muốn phát triển bền vững, cạnh tranh với thép giá rẻ vẫn ồ ạt tràn vào, ngành thép cần sớm chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chênh lệch về giá thành so với thép ngoại, không nâng giá bất thường, đồng thời tăng XK. Đồng thời, DN cần chủ động liên kết, mở rộng quy mô sản xuất để trở thành những thương hiệu mạnh, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Nguồn: KTĐT

ĐỌC THÊM