Sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ trong tháng 02/2019 đã vượt mức mục tiêu kỳ vọng sau khi mức thuế tự vệ 25% được áp dụng đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ một số đối tác thương mại trên cơ sở Mục 232 Đạo luật Mở rộng thương mại.
Theo Insidetrade, trong cáo về thép của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross gửi tới Nhà Trắng được công bố, trong đó có liệt kê các biện pháp khắc phục thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và điển hình là việc áp thuế 24% đối với tất cả hàng nhập khẩu. Báo cáo đã chỉ ra rằng các biện pháp khắc phục thương mại này có thể giúp tăng sản lượng sản xuất nội địa lên mức xấp xỉ 80% và theo nghiên cứu thì đây là mức độ tối thiểu cần thiết để đảm bảo cho khả năng tồn tại lâu dài của ngành thép. Theo báo cáo này, “Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ kết luận rằng biện pháp hiệu quả duy nhất để loại bỏ mối đe dọa suy giảm là giảm nhập khẩu xuống một mức độ nhất định, kết hợp với quản lý tốt, sẽ cho phép các nhà máy thép của Hoa Kỳ hoạt động với công suất 80% trở lên”.
Số liệu thống kê từ Viện Sắt thép Hoa Kỳ cho thấy mức độ sử dụng công suất của Hoa Kỳ đã tăng từ 76% vào tháng 4 năm 2018 lên hơn 80% vào tuần thứ 3 của tháng 02 năm 2019. Ngoài ra, số lượng các lô hàng thép được xuất xưởng ra thị trường từ các nhà máy thép của Hoa Kỳ trong năm 2018 đã tăng 4,8% so với năm 2017. Mặt khác, trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng nhập khẩu các sản phẩm thép đã giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo thống kê của Việt Sắt thép Hoa Kỳ, thị phần của thép nhập khẩu đã giảm từ 29,3% (tháng 4/2018) xuống còn 21% (tháng 11/2018).
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett tuyên bố rằng việc áp thuế đối với thép đang đạt được hiệu quả như mong muốn. “Dựa vào những dữ liệu mới nhất về công suất sản xuất thép, chúng ta đã đạt được mức sử dụng công suất lên đến khoảng 83%,” ông phát biểu trong một sự kiện tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu đề ra đối với ngành thép trong báo cáo về hiệu quả các biện pháp được áp dụng theo Mục 232.
Mức độ sử dụng công suất của ngành thép được ghi nhận đạt mức 81,9% vào tháng 02 năm 2019, theo nghiên cứu của Viện Sắt thép Hoa Kỳ. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhôm của Hoa Kỳ đã không đạt được mức sử dụng công suất 80%. Mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ khuyến nghị mức thuế 7,7%, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu từ năm 2018. Theo báo cáo về nhôm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, “những đề xuất này là nhằm mục đích tăng sản lượng nhôm từ công suất trung bình 48% hiện nay lên mức 80%, cho phép ngành công nghiệp có khả năng tồn tại lâu dài”.
Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê, các biện pháp này chưa mang lại hiệu quả mong muốn cho ngành công nghiệp nhôm của Hoa Kỳ. Theo đó, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã quyết định áp dụng mức thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu từ năm 2018, sản lượng sản xuất suất ngành công nghiệp nhôm Hoa Kỳ mới chỉ đạt đến mức 63% công suất thiết kế vào tháng 1 năm2019. Con số này thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng được đặt ra là 80%. Một số nhà lập pháp và các nhóm doanh nghiệp đã kiến nghị rằng mức thuế theo Mục 232 đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico nên được dỡ bỏ trước khi Hiệp định Hoa Kỳ - Canada – Mexico (USMCA) được Quốc hội xem xét và phê chuẩn. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng mức thuế quan này là một đối trọng giúp Hoa Kỳ có được lợi thế đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại.
Tổng thống Donald Trump phát biểu với các thống đốc rằng áp lực từ các biện pháp thuế quan theo Mục 232 là lý do giúp việc đàm phán lại của NAFTA tiến triển. Ông cũng đe dọa về việc sẽ áp dụng Mục 232 đối với ô tô và phụ tùng ô tô. Tổng thống Trump cho rằng ông đã đạt được thỏa thuận về USMCA nhờ việc sử dụng thuế. Ông thừa nhận rằng việc USMCA có được Quốc hội chấp thuận hay không hiện vẫn chưa chắc chắn nhưng ông lạc quan rằng Quốc hội sẽ không từ bỏ cơ hội này. Các áp lực này cũng đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc đàm phán thương mại với một đối thủ thương mại lớn khác là Trung Quốc.
Nguồn tin: Tapchicongthuong