Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản xuất thép Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 nước sản xuất nhiều thép nhất

 Sau khi tăng nóng vào cuối năm 2020, giá thép thế giới năm 2021 vẫn tiếp tục tăng. Triển vọng giá thép trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay.

Trong tháng 3/2021, giá thép thế giới đã tăng khoảng 4%, và tính chung cả quý I/2021 tăng khoảng 14%. Hiện giá thép thanh vằn (dùng trong xây dựng) kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) ở mức 4.934 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng (dùng trong sản xuất ô tô và đồ gia dụng) giao cùng kỳ hạn ở mức 5.195 CNY/tấn.

Nhu cầu thép thế giới tiếp tục tăng, nhất là từ Trung Quốc, trong khi nguồn cung hạn hẹp tiếp tục tác động đến thị trường thép toàn cầu.

Trung Quốc đang tập trung cho mục tiêu kiểm soát lượng khí thải carbon. Theo đó, thành phố Đường Sơn – thủ phủ sản xuất thép của nước này – đã yêu cầu những cơ sở sản xuất thép không đáp ứng được yêu cầu về khí thải phải cắt giảm, thậm chí tạm dừng hoạt động, có thể khiến nguồn cung thép của nước này giảm đáng kể.

Có thông tin 7 nhà máy thép vi phạm quy định môi trường ở Đường Sơn sẽ phải cắt giảm 50% sản lượng từ nay cho đến 30/6, và giảm 30% trong nửa cuối năm 2021, trong đó 1 số nhà máy của các công ty HBIS Group, Jinma Steel Group, Chunxing Special Steel và Donghua Steel – những đơn vị gần đây đã bị nhắc nhở về việc vi phạm các quy tắc về khí thải; ngoài ra 16 cơ sở gia công thép khác cũng sẽ phải cắt giảm 30% sản lượng từ nay đến cuối năm. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất 1,065 tỷ tấn thép thô, chiếm 57% tổng sản lượng của thế giới.

Theo Hiệp Hội Thép thế giới (World Steel – gồm 64 thị trường thành viên, chiếm 98% tổng sản lượng thép toàn cầu), tăng trưởng nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu vào năm 2021 sẽ lên tới 4,1% đạt 1,795 tỷ tấn, so với 1,725 tỷ tấn của năm năm 2020. Trong khi đó, OECD dự báo tăng trưởng sản lượng thép thô toàn cầu giai đoạn 2020 – 2022 sẽ khoảng 2,5 đến 3,3% từ mức 2,36 tỷ tấn vào cuối năm 2019, tức là tốc độ tăng sản lượng dự báo sẽ thấp hơn tốc độ tăng tiêu thụ.

OECD dự báo nhu cầu thép của các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ tăng 9,4% trong năm 2021; trong khi nhu cầu của Trung Quốc năm nay sẽ tương đương năm ngoái.

World Steel cho biết sản lượng thép thô thế giới tháng 2/2021 đạt 150, 2 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 1/2021 nhưng tăng 4,1% so với tháng 2/2020.

So với tháng 2/2020, hầu hết các khu vực đều báo cáo sản lượng thép thô giảm, dẫn đầu là Bắc Mỹ (giảm 8,9%), Liên minh châu Âu (giảm 7,1%) và châu Phi (giảm 6,4%). Trong đó, sản lượng của Mỹ giảm mạnh nhất trong số 10 quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới, trong khi của Trung Quốc – nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép toàn cầu – tăng khá mạnh.

Cụ thể, sản lượng của Trung Quốc ước tính đạt 83 triệu tấn, tăng 10,9% so với tháng 2/2020; của Ấn Độ đạt 9,1 triệu tấn, giảm 3,1% so với cùng tháng năm trước; của Nhật Bản cũng giảm 5,6% xuống 7,5 triệu tấn và của Mỹ giảm 10,9% xuống 6,3 triệu tấn

Trong số các nước sản xuất khác, sản lượng thép của Hàn Quốc đạt 5,5 triệu tấn (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước), Thổ Nhĩ Kỳ 3 triệu tấn (tăng 5,9%) và Brazil 2,8 triệu tấn (tăng 3,8%).

Sản lượng thép thô tháng 2 tại 27 quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) đạt 11,9 triệu tấn, giảm 7,1% so với cùng tháng năm 2020, trong đó sản lượng tại Đức giảm 10,4% so với cùng kỳ xuống khoảng 3,1 triệu tấn, kết thúc chuỗi 4 tháng liên tiếp hồi phục.

Tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SBNG), sản lượng thép thô giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 8 triệu tấn, trong đó riêng Nga đạt 5,7 triệu tấn, cũng giảm 1,3%.

Iran đã sản xuất 2,3 triệu tấn thép trong tháng 2 vừa qua, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, là tốc độ tăng mạnh nhất trong số 10 nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Sản lượng thép thô (triệu tấn)

Sản xuất thép Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 nước sản xuất nhiều thép nhất - Ảnh 2.
Trên cơ sở những dữ liệu và phân tích trển, dự báo giá thép trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao trong những tháng tới.

Tuy nhiên, việc giá thép tăng lên những đỉnh cao mới sẽ khó xảy ra bởi nguồn cung thép toàn cầu đã dần ổn định.

Ngành thép trong nước có thể tiếp tục được hưởng lợi bởi việc Trung Quốc kiềm chế sản xuất thép để theo đuổi mục tiêu môi trường, cũng như nhu cầu thép trên thị trường trong nước dự báo sẽ hồi phục theo đà tăng trưởng của thị trường bất động sản và xu hướng tăng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới.

Nguồn tin: Cafef

ĐỌC THÊM