Trước áp lực rào cản thương mại của các nước, Việt Nam đã dần xây dựng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Thông tư số 06/2018/TT-BCT, có hiệu lực từ ngày 15/6 cũng là nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Thép là một trong những mặt hàng thường xuyên bị các nước áp dụng biện pháp PVTM.
Các nước gia tăng phòng vệ thương mại
Vài năm trở lại đây, hàng hóa “made in Vietnam” không ngừng mở rộng thị trường qua các nước. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới cho sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp Việt không ngừng đối diện với khó khăn trước hàng loạt hàng rào thương mại.
Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra tại thị trường nước ngoài trong những năm qua rất đa dạng như thép, tôn mạ màu, nhôm ép, thủy sản, giày dép, sợi… Đây là một trong số những ngành hàng bị thị trường nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất.
Việc bị khởi kiện, áp thuế, khiến thép Việt xuất khẩu vào các thị trường sẽ giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến ngành thép trong nước.
Theo Cục PVTM- Bộ Công thương, tính đến nay, có 132 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (25 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ) và Ấn Độ (15 vụ). Số vụ việc Việt Nam bị điều tra nhiều nhất là 78 vụ chống bán phá giá, 25 vụ tự vệ, chống lẩn tránh thuế 17 vụ, chống trợ cấp tương đối thấp 12 vụ.
Riêng ngành thép, từ trước đến nay Việt Nam đối diện khoảng 25 vụ PVTM từ các thị trường như Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hoa Kỳ, EU...
Mới đây nhất, cuối tháng 5-2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế nhập khẩu “mạnh tay” lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc.
Cụ thể, Hải quan Hoa Kỳ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc.
Trước diễn biến ngày các phức tạp của các vụ kiện PVTM, Cục PVTM cũng đưa ra khuyến nghị đối với DN xuất khẩu Việt Nam. Trước khi các vụ việc xảy ra, các DN nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường; đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ. Đặc biệt, DN cần tìm hiểu rõ về pháp luật PVTM, xu hướng kiện PVTM của nước xuất khẩu.
Trường hợp khi vụ việc xảy ra, các DN cần chủ động đối phó với vụ kiện như thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, Cục PVTM. Khi bị điều tra, DN cần chuẩn bị tốt hồ sơ, chứng từ, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện một cách rõ ràng, thống nhất và đến cùng.
Không lo bị o ép trên “sân nhà’
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, ngày càng nhiều các quốc gia sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác. Về phía thị trường trong nước, Việt Nam rất ít khởi kiện thông qua hàng rào thương mại, vì vậy nguy cơ thiệt hại chắc chắn sẽ gia tăng. Trong khi đó, tình hình nhập siêu từ các nước vào Việt Nam ngày một tăng với giá khá thấp.
Còn nhớ, năm 2015-2016, có thời điểm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam bán chưa đến 20.000 đồng/kg, giá bán sản phẩm thịt gà trong nước cao lại hơn từ 30 - 50%. DN và người chăn nuôi lên tiếng mạnh về vấn đề này, tuy nhiên sự việc sau đó trở lại bình thường.
Theo thống kê, từ trước đến nay Việt Nam chỉ sử dụng công cụ PVTM 7 lần với 5 vụ kiện tự vệ và 2 vụ kiện chống bán phá giá. Lý do, DN ngại tốn tiền, sợ mất thời gian, đặc biệt là không có kiến thức và hiểu biết về PVTM. Về quản lý, các quy định của Việt Nam liên quan đến PVTM chưa đầy đủ, cơ quan chức năng chậm hỗ trợ doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra hiện nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa nhập khẩu, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh, hầu hết ngành hàng cần những hàng rào như các nước để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết: “Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường việc sử dụng các biện pháp PVTM như một chiếc van an toàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Việt Nam đã tiến khành khởi xướng điều tra và áp dụng 9 biên pháp PVTM (tự vệ 6 vụ và chống bán phá giá 3 vụ), trước đó chỉ 7 vụ”.
Thực tế cho thấy, các biện pháp PVTM được áp dụng có hiệu quả nhất đó là biện pháp chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Để bảo vệ tốt sản xuất trong nước, sản phẩm thương hiệu Việt một số quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi các biện pháp PVTM chính thức có hiệu lực. Ngày 15/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM.
Ngày 20/4/2018, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM. Thông tư trên có hiệu lực ngày 15/6, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực thi các biện pháp điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, phù hợp pháp luật quốc tế và áp dụng thực tiễn.
Nguồn tin: Đại đoàn kết