Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản xuất và tiêu thụ thép kỳ vọng vào tín hiệu tích cực của năm 2023

Theo giới kinh doanh và doanh nghiệp (DN) sản xuất thép, ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn, do thị trường bất động sản gặp khó, đầu tư công giải ngân chậm... Ngành thép đang kỳ vọng và trông chờ tín hiệu tích cực ở năm 2023.

Thép giảm giá mạnh, tiêu thụ thấp nhất trong 2 năm qua

Khảo sát giá thép vào trung tuần tháng 12/2022 cho thấy, các thương hiệu lớn giá đã xuống dưới mức 15.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 3/2022.

Sản xuất và tiêu thụ thép kỳ vọng vào tín hiệu tích cực của năm 2023
Sức tiêu thụ thép thấp nhất trong 2 năm qua. Ảnh: TL

Điển hình như thép cuộn CB240 thương hiệu thép VAS đứng ở mức 14.570 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.570 đồng/kg. Thương hiệu thép Hòa Phát giữ nguyên giá bán so với cuối tháng 11/2022, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.500 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.600 đồng/kg.

Kể từ tháng 3/2022 đến nay, do tác động của thị trường thế giới và nhu cầu tiêu thụ của trong nước giá thép liên tục giảm nhưng sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.750 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.050 đồng/kg. Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 giữ nguyên ở mức 14.280 đồng/kg...

Không chỉ gặp khó khi giảm giá mạnh mà còn đối mặt với thực tế khó tiêu thụ. Thị trường thép trong nước ghi nhận lượng thép tiêu thụ thấp nhất trong 2 năm qua. Tổng lượng tiêu thụ thép toàn ngành trong tháng 10 giảm thấp nhất trong 2 năm, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.

Báo cáo của tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản xuất 384.000 tấn thép thô trong tháng 11, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30%. Trong đó, thép xây dựng tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2021, còn thép cuộn cán nóng giảm mạnh hơn, khoảng 12%.

Cũng trong quý vừa qua, sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen giảm 44% so với cùng kỳ 2021, xuống 313.000 tấn. Trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 76%, còn sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 32% từ mức nền thấp của kỳ trước...

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tình hình kém khả quan của toàn ngành. Trong tháng 10, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 16% so với tháng 9 và giảm gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt gần 1,9 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng giảm tới 29% so với cùng kỳ 2021. Sức tiêu thụ thép các loại thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vào khoảng 158.000 tấn.

Đón đợi đầu tư công và thị trường bất động sản phục hồi

Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt nhiều khó khăn có khả năng kéo dài đến quý II/2023. Lượng tiêu thụ thép về đáy trái với dự báo khả quan trong mùa cao điểm cuối năm 2022.

Sản xuất và tiêu thụ thép kỳ vọng vào tín hiệu tích cực của năm 2023
Sản xuất và tiêu thụ thép kỳ vọng vào tín hiệu tích cực của năm 2023. Ảnh: TL

Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nhu cầu giảm kéo giá thép giảm nhanh từ tháng 5/2022 nhưng đà giảm đã chậm dần và giá có xu hướng tạo đáy đầu quý IV/2022. Hầu hết các nhà sản xuất thượng nguồn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Pomina… đã giảm mạnh huy động công suất. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới (Trung Quốc, EU, Nhật Bản…).

Bên cạnh đó, VDSC cho rằng, cạnh tranh giá bán nội địa giữa các nhà sản xuất Việt Nam sẽ giảm khi hàng tồn kho giá cao tích lũy trong năm 2022 được giải phóng dần trong các tháng tới. Triển vọng ngành thép phục hồi về giá và lượng tiệu phải chờ đợi tín hiệu tích cực của kinh tế thế giới và nhu cầu đầu tư công và tùy thuộc vào sự “ấm lên” của thị trường bất động sản.

Theo VDSC, năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng.

Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư công sẽ là đòn bẩy, hỗ trợ cho tiêu thụ thép nội địa. Năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi, đạt 507,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương.

Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép thế giới giảm 2,3% trong năm 2022 và tăng 1% trong năm 2023. Từ quý II/2023, khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu, nhu cầu thép toàn cầu mới có khả năng tăng trở lại...

Nguồn tin: Thời báo Tài Chính

ĐỌC THÊM