Trong 8 tháng năm 2022, sản xuất và tiêu thụ thép giảm lần lượt là 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Về nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, cuộn cán nóng cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh…
Theo số liệu mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 8/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 1,982 triệu tấn, giảm 12% so với tháng 7/2022 và giảm 21,6% so với cùng kỳ 2021; tiệu thụ thép các loại đạt 2,15 triệu tấn, tăng 8,13% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về tình hình xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 7/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 613,45 nghìn tấn, giảm 28,67% so với tháng trước và giảm 46,08% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 644,7 triệu USD, giảm 29,39% so với tháng 6/2022 và giảm 39,86% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,41 triệu tấn thép giảm 22,57% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5,63 tỷ USD ngang mức cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: khu vực ASEAN (40,39%), Khu vực EU (17,78%), Hoa Kỳ (8,29%), Hàn Quốc (6,13%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (4,37%).
Từ chiều ngược lại, trong tháng 7/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 909 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,03 tỷ USD, giảm 26,86% về lượng và giảm 25,43% về trị giá so với tháng trước,và giảm 2,45% về lượng nhưng tăng 2,53% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021;
Tính chung 7 tháng năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 7,4 triệu tấn với trị giá hơn 8 tỷ USD, giảm 7,86% về lượng nhưng tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ 2021.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (46,14%), Nhật Bản (15,52%), Hàn Quốc (10,72%), Đài Loan (9,28%) và Ấn Độ (7,08%).
Đối với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất thép, báo cáo của VSA cho thấy, giá quặng sắt ngày 6/9/2022 giao dịch ở mức 97,75 - 98,25 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 10,8 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 8/2022.
Mức giá này giảm khoảng 112-114 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (~ 210 – 212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/9/2022 giao dịch ở mức khoảng 254,5 USD/tấn FOB, giảm hơn nửa so với mức xấp xỉ 520 USD hồi tháng 4/2022.
Giá nguyên liệu sản xuất thép năm 2022. Nguồn: VSA.
Trong tháng 8/2022, giá thép phế nội địa tăng mạnh từ 400 đồng/kg đến 700 đồng/kg giữ mức 8.900 đồng/kg đến 10.100 đồng/kg. Tương tự, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ngày 6/9/2022 ở mức 440 USD/tấn CFR, tăng 70 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8/2022.
Giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm trong tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này xấu đi và nhu cầu thiếu trầm trọng. Các nhà sản xuất điện cực graphite của Trung Quốc (GE) đã bị lỗ tại thị trường nội địa trong tháng 8 (khoảng 20-60 USD/ tấn) do giá lao dốc và tốc độ giảm chi phí sản xuất quá chậm.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/9/2022 ở mức 566 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 40 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 8/2022.
Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Nguồn tin: vnEconomy