Nhiều nước láng giềng đang phải tìm cách kìm hãm dòng vốn nóng đổ vào từ các nước phát triển. Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy nhiều dấu hiệu của dòng tiền mới đổ vào. Giới đầu tư nước ngoài chưa dám đổ tiền vào khi các yếu tố kinh tế vĩ mô nền tảng chưa ổn định. Trong lúc đó, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần rồi đã khuyến cáo các nền kinh tế đang lên ở châu Á về cách xử lý, đối phó với các luồng tiền đầu tư nước ngoài đổ về từ các nước kinh tế phát triển. Các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… đều đang phải tìm cách kìm hãm bớt dòng vốn nóng này. Tiền chảy vào khu vực đang phát triển
Ông Anoop Singh, giám đốc phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết mặc dù lượng tiền nóng (capital inflows) vào khu vực chưa vượt qua mức trước khủng hoảng tài chính, nhưng các chính phủ cũng nên chuẩn bị các biện pháp đối phó. IMF cho rằng đã đến lúc các chính phủ bỏ các chính sách kích cầu, tạo điều kiện để nền kinh tế tiếp thu các nguồn vốn đầu tư nước ngoài một cách có hiệu quả, như tìm cách để tạo điều kiện cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng gần 2 tỉ USD trên thị trường cổ phiếu Thái Lan và đang ồ ạt đổ tiền vào trái phiếu, khiến chính phủ nước này phải tái áp thuế thu nhập 15% cho những khoản đầu tư vào trái phiếu nội địa. Chính phủ Thái Lan đang xem xét áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạn chế bớt dòng vốn ngoại này, nhất là khi đồng baht đã tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 7.1997 đến nay.
Các nhà kinh tế nhận định rằng dòng tiền nóng đổ vào châu Á sẽ tiếp tục ở mức mạnh trong năm 2011, nhất là khi lãi suất ở các nước phát triển tiếp tục giữ ở mức thấp và triển vọng kinh tế ở các nước đang lên đang ở mức cao. Dự tính tăng trưởng GDP trung bình của các nền kinh tế đang lên cao hơn các nền kinh tế phát triển 4,4%/ năm.
Theo một số liệu do viện Tài chính quốc tế (The Institute of International Finance) mới công bố, tổng lượng vốn đầu tư tư nhân (private capital inflows) vào các nền kinh tế đang lên trên thế giới năm nay ước khoảng 825 tỉ đôla Mỹ, cao hơn rất nhiều so với con số 581 tỉ USD của năm 2009.
Lượng tiền nóng đổ vào quá nhanh và quá nhiều khiến cho các nước đang phát triển lo ngại vì nó tạo nên sức ép tăng giá tiền nội tệ và có thể khiến xuất khẩu, động lực phát triển kinh tế chính, bị suy giảm. Lượng tiền đổ vào nhiều và rút ra nhanh cũng có thể tạo ra nhiều yếu tố bất ổn khác, như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997.
Tuy Chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo về tiền nóng, thực ra luồng tiền này vẫn chưa dám vào Việt Nam.
Nghe, xem, chờ cơ hội
Lượng tiền nóng đổ vào quá nhanh và quá nhiều khiến các nước đang phát triển lo ngại về sức ép tăng giá tệ nội tệ. |
Thị trường trái phiếu, thông thường là sân chơi cho các nhà đầu tư tài chính, thì lại rất im ắng, hiện nay mua bán chủ yếu giữa các ngân hàng trong nước.
Ông Trịnh Hoài Giang, phó chủ tịch hiệp hội Trái phiếu Việt Nam nhận định rằng sự thiếu vắng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu cho thấy sự lo ngại về những yếu tố rủi ro căn bản của nền kinh tế hiện nay như áp lực tỷ giá hối đoái và lạm phát. Các chuyên gia tài chính nước ngoài phân tích rằng khi thị trường còn tồn tại kỳ vọng vào xu hướng giảm giá của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư còn ngại bỏ tiền vào. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn cao trong khi lạm phát có xu hướng tăng, đe doạ tăng trưởng càng khiến cho nhà đầu tư ngần ngại. Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam với việc các công ty không được bảo đảm mua ngoại tệ để thoát ra cũng khiến các nguồn vốn nóng ngần ngại.
Mặc dù vậy, theo các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rục rịch dòm ngó thị trường Việt Nam và hướng chính sách vĩ mô của Nhà nước để đón hướng đi của thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị các bước thủ tục như mở tài khoản, nghiên cứu thị trường. Một điểm đáng chú ý là dòng tiền ngoại dường như vẫn đang tránh né các kênh đầu tư qua các quỹ đóng.
Từ năm 2008 đến nay, gần như không có quỹ mới nào đáng kể được thành lập, và mặc dù một số công ty quản lý quỹ lớn ở Việt Nam vẫn đang nỗ lực kêu gọi vốn, tiền không chạy vào túi của họ. Theo ông Louis Nguyễn, tổng giám đốc điều hành của Saigon Assets Management: “Tiền vẫn không vào, đặc biệt là không vào các quỹ đầu tư, vì các quỹ đều không chứng minh được hiệu quả trong vòng hai năm qua”.
Về cơ bản, tình trạng thâm hụt kép của kinh tế Việt Nam, vừa thâm hụt mậu dịch lẫn thâm hụt ngân sách mà hậu quả là lạm phát và áp lực tỷ giá, tiếp tục là những lý do khiến cho các nguồn tiền đầu tư nước ngoài chưa dám đổ vào Việt Nam.
Thị trường vẫn đang ngóng đợi sự cải cách cấu trúc kinh tế và những hướng chính sách mới sau đại hội Đảng sắp tới.
Nguồn: SGTT.VN