Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sắt thép tăng trưởng xuất khẩu

 Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, bất chấp hàng loạt vụ phòng vệ thương mại đổ lên các sản phẩm sắt thép xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, thị trường thép xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao.

Cụ thể, sau 2 tháng đầu năm suy giảm nhẹ, tình hình xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép đã được cải thiện, tăng trưởng trở lại trong tháng 3-2019, ước tính đạt 280 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 2-2019 và tăng 6,8% so với tháng 3-2018; nâng kim ngạch 3 tháng đầu năm 2019 lên 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Mỹ, EU và Đông Nam Á lần lượt là những thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng sắt thép của Việt Nam; chiếm khoảng 55% tỷ trọng. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Theo nhận định của Bộ Công thương, để có được kết quả tăng trưởng như trên là nhờ vào đà tăng của năm 2018, những hợp đồng xuất khẩu lớn vẫn được các doanh nghiệp xuất đi trong những tháng đầu năm 2019, kể cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, báo hiệu một năm xuất khẩu bận rộn của ngành.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp điển hình như Tập đoàn Hoa Sen đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn, trị giá 3,7 triệu USD đi thị trường một số nước châu Mỹ, cùng với đó là lô hàng 17.000 tấn tôn, trị giá hơn 14 triệu USD được xuất thành công từ Cảng quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) sang Mỹ.

Tập đoàn Thép Hòa Phát cũng công bố đã chốt được đơn hàng xuất khẩu gần 1.000 tấn ống thép tôn mạ sang Ấn Độ, trị giá trên 600.000USD. Ngoài ra, trong quý 1, Hòa Phát cũng mở hàng đầu năm với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada.

Khác với bức tranh sáng của xuất khẩu sắt thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thị trường thép toàn cầu trong 2 tháng đầu tiên năm 2019 ảm đạm với nhu cầu sử dụng thép của một số ngành suy yếu.

Về tình hình nhập khẩu thép, theo VSA, trong năm 2018, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc có xu hướng giảm, đạt gần 6,27 triệu tấn và giảm 10% về lượng. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này theo đó giảm về 46,3% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu.

Xu hướng giảm nhập thép Trung Quốc của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được cho là kết quả của đòn thuế 25% đối với thép mà Mỹ ban hành hồi tháng 3-2018.

Mặt khác, việc Mỹ và Liên minh châu Âu liên tục điều tra hành vi thép Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ nước khác để xuất khẩu vào 2 thị trường này khiến các doanh nghiệp cũng e ngại bị vạ lây khi nhập khẩu thép từ Bắc Kinh.

Theo đó, dự báo tình hình nhập khẩu sắt thép của thị trường này vào Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay hầu hết các loại thép doanh nghiệp trong nước đều đã sản xuất được, không còn phụ thuộc vào nhập khẩu như trước đây.

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

ĐỌC THÊM