Nhập khẩu thép tại một số thị trường có giảm về lượng nhưng trị giá lại tăng ở tất cả các thị trường. Đáng chú ý, nhập khẩu sắt thép từ Ấn Độ tăng đột biến cả về lượng và trị giá.
Nhập khẩu sắt thép từ Ấn Độ tăng 20,3 lần về lượng và 13,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ảnh internet.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 6 đạt gần 1,1 triệu tấn, trị giá 649 triệu USD; giảm 10,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với tháng trước.
Như vậy, tổng lượng sắt thép nhập khẩu trong 6 tháng đạt 7,91 triệu tấn, trị giá 4,61 tỷ USD, giảm 17,3% về lượng, tuy nhiên tăng 21,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp sắt thép các loại cho Việt Nam 6 tháng chủ yếu gồm: Trung Quốc với 3,95 triệu tấn, trị giá 2,23 tỷ USD, giảm 23,8% về lượng, tuy nhiên tăng 12,3% về trị giá, đơn giá bình quân đạt 564 USD/tấn; thị trường Nhật Bản cung cấp 1,07 triệu tấn, trị giá 646 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và tăng 19,4% về trị giá.
Đáng chú ý, sắt thép các loại có xuất xứ Ấn Độ nhập về Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 đang có mức tăng đột biến, tăng 20,3 lần về lượng và 13,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượng sắt thép xuất xứ Ấn Độ là 812.000 tấn, trị giá 422 triệu USD, với đơn giá khai báo bình quân là 519 USD/ tấn.
Như vậy, nếu so sánh về giá thì giá sắt thép Ấn Độ là thấp nhất trong các thị trường cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam. Đây có thể cũng là yếu tố khiến cho số lượng thép nhập khẩu từ Ấn Độ tăng đột biến.
Còn theo Bộ Công Thương, nhập khẩu sắt thép, trong đó có sắt thép thế liệu tăng cao là do một số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân và triển khai đầu tư xây dựng làm tăng nhu cầu về sắt thép.
Chính vì thế, nhu cầu nhập khẩu phế liệu sắt thép để sản xuất thép nhằm cung ứng cho các dự án này của các nhà máy luyện sắt thép trong nước, ngoài ra chi phí để sản xuất thép từ phế liệu rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép đã dẫn đến các nhà máy luyện thép trong nước lựa chọn nhập khẩu phế liệu.
Nguồn tin: Hải quan