Khoảng hơn một tháng trở lại đây, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cùng những tác động từ Trung Quốc (thị trường sản xuất thép lớn nhất thế giới) đã khiến giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng.
Chủ cửa hàng kinh doanh sắt, thép xây dựng tại 518 Đê La Thành cho biết: Trong 2 tháng qua, giá thép liên tục tăng. Đầu tháng 1, tăng 100.000 đồng/tấn, sau đó tăng thêm 500.000 đồng/tấn vào tháng 2. Hiện tại, giá thép xây dựng đang ở mức 15,3 triệu đồng/tấn. Mức tăng này được cho là khá cao, vì so với thời điểm giá thép lên cao nhất trong năm 2017 thì mức giá hiện tại cao hơn 1 triệu đồng/tấn. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Thực tế thị trường thép xây dựng những ngày vừa qua cho thấy, tại các đại lý thép và nhà phân phối, lượng đơn hàng tăng cao đột biến, nhiều nơi không còn đủ hàng cung cấp cho khách hàng. Một số khách hàng khi nắm thông tin sắt, thép xây dựng có thể tiếp tục tăng giá trong thời gian tới nên đã đặt mua một số lượng lớn, gây khan nguồn cung. Một số đại lý cho biết, giá sẽ còn tiếp tục tăng cao nên đã chủ động găm hàng chờ tăng giá.
Lý giải về nguyên nhân khiến giá thép xây dựng liên tục tăng trong những tháng đầu năm 2018, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho rằng, giá sắt thép xây dựng trong tháng 1 - 2/2018 tăng do ảnh hưởng bởi giá quặng nhập khẩu những ngày cuối tháng 12/2017 từ thị trường Trung Quốc tăng hơn 3% phôi thép, sắt tăng 7 - 8% so với trước. Ngoài ra, sự tăng giá của than điện cực đối với các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lò điện làm cho giá thép thành phẩm tăng lên 500.000 - 600.000 đồng/tấn kéo theo giá bán thành phẩm tăng. Theo ông Sưa, việc tăng giá này không liên quan đến động thái gần đây của Mỹ khi tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Trong thời gian tới, dự báo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sắt, thép xây dựng tiếp tục tăng nên giá bán mặt hàng này có thể tăng thêm 300.000 - 500.000 đồng/tấn ngay trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2018, thậm chí sẽ tăng đến hết tháng 5/2018. “Các nhà thầu hoặc chủ đầu tư xây dựng có nhu cầu mua thép cần tính toán để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí xây dựng” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo.
Nguồn tin: KT&ĐT