Sau gần 2 tháng đi ngang, một số thương hiệu thép trong nước đồng loạt điều chỉnh giá bán Thép xây dựng trong ngày 4/12. Hiện giá Thép xây dựng dao động quanh mức 14-15 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Trong khi giá mặt hàng thép cuộn CB240 được điều chỉnh giảm thì thép thanh vằn D10 CB300 của nhiều thương hiệu như Việt Ý, Việt Sing, Việt Nhật lại có xu hướng tăng so với lần điều chỉnh gần nhất (12/10).
Sau chuỗi ngày đi ngang, nhiều thương hiệu thép bất ngờ điều chỉnh giá bán trong ngày 4/12
Cụ thể, thương hiệu thép Việt Ý sau khi giữ nguyên giá bán 2 tháng liên tiếp thì ngày 4/12 đã điều chỉnh giảm 70.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và tăng 30.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá bán mới nhất của 2 loại thép này lần lượt là 14,44 triệu đồng/tấn và 14,75 đồng/tấn.
Thép Việt Nhật cũng thực hiện điều chỉnh giảm giá với dòng thép cuộn CB240 khi giảm thêm 200.000 đồng/tấn, xuống mức 14,31 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 14,51 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 70.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống còn 14,28 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng nhẹ lên mức 14,69 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu Thép Việt Sing, giá thép mới nhất trong ngày 5/12 đối với loại thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 là 14,31 triệu đồng/tấn và 14,62 triệu đồng/tấn, sau điều chỉnh tăng 110.000 đồng/tấn loại thép thanh vằn.
Tương tự, Thép VAS cũng điều chỉnh giảm giá với 2 mặt hàng trên lần lượt 100.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn xuống mức 14,31 triệu đồng/tấn và 14,41 triệu đồng/tấn.
Các thương hiệu thép lớn khác ở trong như Hòa Phát, Pomina, Thép miền Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên so với lần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, thép Hòa Phát tiếp tục ổn định, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 14,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14,6 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu chậm lại là mối lo ngại chính khiến giá thép có tiếp tục giảm đến hết năm nay, các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho.
Tuy nhiên, mức giảm không quá lớn bởi các nhà sản xuất thép đã chủ động cắt giảm sản xuất và hàng tồn kho từ cuối quý 3.
Thời gian tới, thị trường thép trong nước được đánh giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Cũng theo số liệu mới nhất của VSA, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 10 đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Sau 10 tháng, cả nước đã sản xuất được 25,31 triệu tấn thép thành phẩm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,1 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn tin: CafeLand