Ngày 1/10 lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn và đại diện nhà máy thép Việt Pháp đã tổ chức đối thoại với người dân. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải di dời nhà máy đi nơi khác, nếu không họ sẽ tiếp tục rào chắn nhà máy.
Trước đó, từ ngày 24/9, hàng chục hộ dân ở thôn 7A và các thôn lân cận của xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã lập hàng rào chắn hai con đường tiến vào nhà máy. Chính quyền địa phương sau đó đã đến cưỡng chế dỡ bỏ hàng rào, nhưng hàng ngàn người dân bao vây phản ứng nên chính quyền bất lực ra về.
Tại cuộc họp ngày 1/10, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam - ông Dương Chí Công – báo cáo kết quả quan trắc về vấn đề ô nhiễm của nhà máy thép. Theo đó, trong lần kiểm tra gần nhất vào ngày 27/9 với sự tham gia của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân, những công trình, thiết bị và biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy thép Việt Pháp đều đạt yêu cầu. Công ty có sự chú trọng trong việc khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong các lần kiểm tra trước…
Theo phản ảnh của người dân địa phương, khi có các đoàn kiểm tra thu mẫu thì việc vận hành nhà máy của công ty rất tốt nên kết quả phân tích khí thải luôn nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, khi không có đoàn kiểm tra phát sinh khí thải có màu đen và mùi khét gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bà Võ Thị Ngọc - Chủ tịch HĐQT công ty thép Việt Pháp cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty đã nhiều lần đổi mới trang thiết bị và quy trình sản xuất. Đặc biệt, công ty đã hoàn thành các công trình sản xuất đạt chỉ tiêu môi trường và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý ô nhiễm do Bộ TN-MT cấp phép nhưng người dân vẫn cứ bao vây nhà máy làm cho việc hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn.
Bà Ngọc nói rằng, một là người dân hai là nhà máy thép phải di dời đi nơi khác. Trong thời gian tới, chính quyền không có cách giải quyết thấu đáo thì bà phải đóng cửa nhà máy và tuyên bố phá sản.
Ngay sau khi bà Ngọc phát biểu, nhiều người dân tham dự rất bức xúc. Một số người quá khích định xông tới ăn thua với những người ở công ty thép ngay tại hội trường. Họ cho biết, nếu nhà máy không di dời họ sẽ tiếp tục rào chắn không cho hoạt động.
Ông Dương Chí Công - Giám đốc Sở TN-MT - cho biết, tình trạng ô nhiễm từ vài năm nay nhưng chưa giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc. Ông hứa sẽ cung cấp số điện thoại đường dây nóng để khi nào phát hiện ô nhiễm người dân gọi để phản ánh.
Dù người dân chưa thỏa mãn với yêu cầu của mình nhưng trước khi tuyên bố kết thúc, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn – ông Lê Trí Thanh nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng như trên tại địa phương. Ông cho rằng việc di dời nhà máy hay dời dân không phải nói là làm được và hứa với người dân, thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động của nhà máy này.
Chiều ngày 1/10, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND xã Điện Nam Đông – ông Thân Cầu cho biết, người dân tiếp tục rào chắn nhà máy thép Việt Pháp mà chính quyền đã tháo dỡ ngày 30/9. Ông Cầu cho biết, đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo huyện Điện Bàn.
Nguồn tin: Dantri