Nhận định về hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 vừa kết thúc tại thành phố Cannes (Pháp), tờ "Thời báo Kinh doanh Toàn cầu" của Mỹ ngày 5/11 khẳng định: hội nghị G20 một lần nữa lại bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc và yếu kém của các nhà lãnh đạo trong việc giải quyết những khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Hội nghị bắt đầu bằng nỗi lo sợ Hy Lạp bị phá sản và rút khỏi khu vực đồng euro và kết thúc trong nỗi lo sợ Italia sẽ thay thế vị trí của Hy Lạp để trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Báo "Người bảo vệ" của Anh mô tả ngày thứ hai của hội nghị là "một ngày u ám" và cảnh báo một cuộc suy thoái mới của thế giới đang đến gần hơn sau khi hội nghị thượng đỉnh của G20 không nhất trí cung cấp thêm các nguồn tài chính cho các nước yếu kém và bị suy thoái kinh tế, trong khi "con nợ" Italia buộc phải chấp nhận cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) áp dụng các biện pháp giám sát chương trình khắc khổ của nước này.
Các thành viên nhóm G20 nhất trí tăng nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế nếu cần. Ảnh: Internet |
Trước hội nghị thượng đỉnh, một số cuộc đàm phán của các quan chức cấp bộ và chuyên viên đã đề nghị các nhà lãnh đạo G20 tăng các nguồn của IMF lên khoảng 250 tỷ USD nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng những bất đồng về đề nghị đó, đặc biệt các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh nhất quyết phản đối tăng quỹ của IMF, cho thấy quyết định này vẫn còn bị ngừng trên cho đến khi diễn ra hội nghị của các bộ trưởng tài chính G20 vào tháng 2/2012.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này được tổ chức trong bối cảnh các nước đang hết sức lo ngại tình hình Hy Lạp sau khi Thủ tướng George Papandreou loan báo sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về chương trình khắc khổ như đã được nhắc đến tại hội nghị thượng đỉnh của khu vực đồng euro ngày 27/10. Nhưng do sức ép của Pháp và Đức, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou đã từ bỏ kế hoạch đó mặc dù phe đối lập ở Hy Lạp tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ đến cùng chương trình khắc khổ. Nếu vấn đề chỉ là khoản nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể dễ dàng giải quyết bằng cách bơm thêm ngân quỹ từ các nguồn vốn còn lại của khu vực đồng euro.
Nhưng thực tế, cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn ngay từ chính cơ cấu của khu vực đồng euro. Do hội nghị thượng đỉnh G20 không ra được quyết định thuận lợi, ý tưởng IMF có thể cung cấp tiền cho khu vực đồng euro đã chấm dứt. Những mâu thuẫn trong nền kinh tế thế giới được bộc lộ rõ ràng qua các tuyên bố về đề nghị trưng cầu ý dân của Hy Lạp và triển vọng vỡ nợ của nước này khi Hội nghị đang diễn ra.
Thực tế, mâu thuẫn của giới lãnh đạo các nước G20 là không thể giải quyết được tại hội nghị lần này, trong khi nhiều nước châu Âu mong muốn IMF cung cấp thêm các khoản vay, nhưng Mỹ và Anh kiên quyết phản đối; hay mặc dù Mỹ rất muốn và thường xuyên đề nghị Trung Quốc thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhưng Trung Quốc không thể làm vậy vì sợ mất khả năng cạnh tranh quốc tế; bên cạnh đó hầu hết các nhà lãnh đạo G20 nhất trí một nước thặng dư xuất khẩu như Đức cần phải tăng chi tiêu trong nước và thúc đẩy tiêu thụ để điều chỉnh sự mất cân đối toàn cầu, nhưng Đức khẳng định vấn đề không phải là các khoản thặng dư của họ mà do các khoản nợ của các nước khác...
Cũng như những hội nghị trước đây, trong phần bế mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đưa ra một thông cáo chung chính thức, trong đó bao gồm nhiều biện pháp nhằm khôi phục sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng, như tờ "Thời báo Tài chính" ngày 4/11 nhận định, "kế hoạch hành động" mà các nước cam kết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm hầu như chẳng có gì mới. Tờ báo trích phát biểu của ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao của IMF, khẳng định Hội nghị thượng đỉnh G20 không đưa ra được bất cứ điều gì mới ngoài "những cam kết mập mờ về tương lai và hàng loạt khó khăn bất lợi cho môi trường chính trị ở các nước".
Nói cách khác, các nhà lãnh đạo G20 không đưa ra được bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu do mâu thuẫn không thể nhân nhượng về lợi ích quốc gia giữa các cường quốc lớn, từ đó đẩy thế giới ngày càng gần hơn tới bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế mới.
Nguồn tin: TTXVN