Ngoài thép ra, Trung Quốc cũng đang dư thừa rất nhiều hàng hóa khác và sẽ xuất khẩu ra thị trường thế giới, báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới của nhiều ngành công nghiệp sắp bắt đầu.
Dư thừa nguồn cung thép ở trong nước đã khiến Trung Quốc đẩy một lượng thép lớn xuất khẩu ra bên ngoài với giá rẻ, khiến cho cả ngành công nghiệp thép trên khắp thế giới lao đao.
Mới đây nhất, Tata Steel, công ty con chuyên về thép của tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã tuyên bố sẽ bán đi nhà máy thép tại Anh vì không chịu đựng nổi cuộc khủng hoảng trên thị trường thép. Đây là tín hiệu rõ nhất cho thấy cả ngành công nghiệp thép ở Anh đang điêu đứng vì thép Trung Quốc.
Trong giai đoạn khi nền kinh tế bùng nổ, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc là rất lớn. Chính vì vậy đã diễn ra một làn sóng đầu tư vào các nhà máy thép quy mô lớn ở Trung Quốc. Giờ đây khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc và có chủ trương chuyển sang tập trung vào ngành dịch vụ thay vì sản xuất như trước, Trung Quốc bị dư thừa thép và do đó đã tìm cách xuất khẩu thép giá rẻ ra thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp thép ở Trung Quốc hiện tại cũng ở vào tình trạng vật vờ và được mô tả như là những “xác sống” trong nền kinh tế.
Chính sách xuất khẩu thép của Trung Quốc đã trở thành thảm họa đối với ngành thép thế giới, gây nên một cơn địa chấn khiến doanh nghiệp thép ở nhiều nước khác lao đao. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Các nhà kinh tế đang lo lắng rằng không chỉ thép, Trung Quốc cũng đang dư thừa nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Và câu hỏi đặt ra là sau cuộc khủng hoảng dư thừa của ngành thép, Trung Quốc sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng thừa cung trong những ngành nào nữa?
Trước tiên là than đá, ngành công nghiệp vốn đã tụt dốc khá mạnh trong thời gian gần đây cũng chính vì nhu cầu yếu đi ở thị trường Trung Quốc. Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, trong 2 năm tới Trung Quốc sẽ dư thừa khoảng 3,3 tỷ tấn. Hiện mỗi năm nước này tiêu thụ chưa đến 4 tỷ tấn và con số được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Từ trước đến nay Trung Quốc chỉ nhập khẩu chứ không xuất khẩu than đá, nhưng điều này có thể sớm thay đổi. Công ty khai thác than lớn nhất nước này là Shenhua Energy mới đây cho biết sẽ sớm thực hiện kế hoạch tăng lượng than xuất khẩu từ mức 1,2 triệu tấn của năm ngoái lên 10 triệu.
Một mặt hàng khác là nhôm. Trung Quốc hiện cung cấp tới hơn một nửa nguồn cung nhôm của thế giới. China Hongqiao, nhà máy luyện nhôm lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng công suất lên 6 triệu tấn. Ngay ở thời điểm hiện tại, nhôm Trung Quốc đã khiến giá nhôm thế giới sụt giảm mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến các đối thủ quốc tế.
Tình trạng dư cung trong ngành công nghiệp lọc dầu cũng là một mối đe dọa. Năm 2014 các nhà máy lọc dầu Trung Quốc được cho là chỉ chạy 2/3 công suất. Theo dự đoán của tập đoàn dầu khí CNPC, năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu ròng các sản phẩm từ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 31%.
Hóa chất cũng là một mặt hàng mà Trung Quốc có thể tạo ra khủng hoảng thừa. Ở đại lục có đến 25.000 công ty hóa chất và rất nhiều trong số này đang hoạt động dưới công suất. Điều đáng ngại là các công ty này vẫn đang gia tăng sản lượng. Làn sóng từ Trung Quốc đã cuốn trôi toàn bộ lợi nhuận của các đối thủ đến từ Nhật Bản.
Nguồn tin: DĐDN