Gần đây, thị trường thép xây dựng Trung Quốc mà đặc biệt là Thượng Hải tăng trưởng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm thị trường sẽ biến động như thế nào? Liệu có tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như hiện tại hay không?
Theo ông Hà Vĩnh Hoa, tổng giám đốc tập đoàn phân phối sắt thép Bảo Hạ-Thượng Hải, thị trường thép xây dựng trong năm nay sẽ không thể có biến động lớn. Nhìn chung, xu hướng của thị trường sẽ là “ổn định trong xu thế đi lên”. Ông cho rằng những lý do sau đây là nguyên nhân bảo đảm cho xu hướng ổn định của thị trường thép xây dựng.
Thứ nhất, tình hình kinh tế vĩ mô đang phát triển rất tốt. Đa số các nước trên thế giới đều đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chính sách nới lỏng tiền tệ được áp dụng ở hầu hết các quốc gia, chính phủ đầu tư và khuyến khích đầu tư vào các dự án hạ tầng kiến trúc. Chính điều này sẽ làm động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép.
Thứ hai, nhận biết được giá thép đang chạm đáy, người dân đổ xô mua thép xây dựng nhà. Từ tháng 1 đến tháng 10, tổng đầu tư xây dựng nhà ở tại thành thị đạt 150,710 tỷ Nhân Dân Tệ, tăng 5.9% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng diện tích xây mới nhà ở đạt 28.83 tỷ mét vuông, tăng 16.4% so với năm trước. Từ những số liệu trên cho thấy nhu cầu sử dụng thép xây dựng đang dần tăng trưởng trở lại.
Thứ ba, giá quặng sắt, than cốc, phế liệu đang tăng mạnh. Hiện nay, giá bột quặng sắt giao dịch ở mức 780-800 RMB/tấn (114-117 USD/tấn), có nơi chào với giá 820-850 RMB/tấn (120-125 USD/tấn), tăng 20-30 RMB/tấn (3-4.4 USD/tấn) so với tuần trước. Than cốc luyện kim loại 1 có giá 1740-1760 RMB/tấn (255-258 USD/tấn), loại 2 dao động ở mức 1650-1680 RMB/tấn (242-246 USD/tấn).
Nguyên vật liệu tăng giá gây áp lực lên giá thành sản xuất, buộc các nhà máy không ngừng thay đổi giá xuất xưởng. Chính sự hỗ trợ từ chi phí sản xuất cao đã giúp cho giá thép xây dựng không tiếp tục suy giảm được nữa.
Thứ tư, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng. Trong tháng mười, Trung Quốc xuất được 2,710 ngàn tấn thép, tăng 10% so với tháng 9. Một số nhà máy lớn như Baosteel, Angang, Wugang đều công bố đơn đặt hàng từ nước ngoài trong tháng 10 tăng trưởng rõ rệt. Một khi thị trường xuất khẩu tăng trưởng, giá thép nội địa buộc phải tăng theo
Thứ năm, các nhà máy đang bước vào giai đoạn bảo trì lò luyện và nhà xưởng. Điều này sẽ làm giảm lượng cung ra thị trường, giúp giải tỏa áp lực lên hàng tồn kho. Trên thực tế, sản lượng tháng 10 đã giảm. Tháng 10, mỗi ngày Trung Quốc sản xuất 1,669,400 tấn phôi thép. Nếu so với mức 1,688,000 tấn/ngày trong tháng 8 và 1,690,400/ngày trong tháng 9 thì sản lượng tháng mười đã giảm. Trong tháng 11 và 12, các nhà máy vẫn phải tiếp tục ngừng sản xuất để tu sửa thiết bị. Do đó, chắc chắn sản lượng sẽ bằng hoặc thấp hơn tháng 10.
Thứ sáu, thực chất hàng tồn kho của Trung Quốc không nhiều như các con số thống kê nêu ra. Một phần lớn hàng tồn kho của Trung Quốc hiện nay không thể giao dịch trên thị trường do đang là hàng cầm cố của các các doanh nghiệp thép để vay nợ để đầu tư. Một phần khác là hàng đảm bảo của các doanh nghiệp đầu tư trên thị trường tương lai.
Do đó, lượng hàng tồn kho mà các tổ chức công bố là “thổi phồng” và chưa phân tích rõ cấu trúc hàng tồn.
Sự cộng hưởng từ ba yếu tố: giá thị trường tương lai tăng, giá thép xuất xưởng tăng và giá thép phân phối tăng sẽ nâng đỡ thị trường thép xây dựng trong thời gian tới. Ông Hà cho rằng thời gian qua, các nhà máy đã nâng giá thép với biên độ hợp lý. Còn lại những tập đoàn phân phối như ông sẽ đảm bảo mức tăng giá thép sẽ theo sát biến động thị trường để đảm bảo ngành thép không rơi vào tình trạng suy thoái như 2 tháng vừa qua.
(Sacom)