Theo cập nhật mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau khi tăng trưởng liên tiếp trong 5 tháng đầu năm, từ tháng 6 đến nay, giá các nguyên liệu sản xuất thép đã đồng loạt giảm. Trong khi nguồn cung thép xây dựng trong nước dư thừa hơn 1,7 triệu tấn, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại.
Giá thép đã “nguội” dần
Chiều ngày 15/8, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm thêm từ 100.000 đồng/tấn – 510.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm thứ 14 liên tiếp trong gần 3 tháng qua… Giá thép hiện dao động quanh 14 - 16 triệu đồng/tấn. Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Pomina có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, tại miền Nam, giảm 610 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, hiện có giá 15.280 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 giảm 710 đồng/kg, xuống còn 15.480 đồng/kg.
Tuy nhiên tại miền Trung, Pomina vẫn giữ nguyên giá bán đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 sau khi đã giảm mạnh trong đợt điều chỉnh trước (ngày 8/8). Hiện mức giá của 2 sản phẩm này vẫn có giá lần lượt là 14.980 đồng/kg và 16.390 đồng/kg. Tiếp đến, thép miền Nam cũng là doanh nghiệp có mức giảm khá mạnh. Với thép cuộn CB240 giảm 360 đồng/kg, xuống mức giá 15.120 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 510 đồng/kg, hiện có giá 15.730 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý giảm 310 đồng/kg với thép cuộn CB240 và giảm 350 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của 2 sản phẩm này lần lượt là 14.440 đồng/kg và 15.150 đồng/kg. Thép miền Nam điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm 2 loại thép trên còn 15,12 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Bắc, với thép cuộn CB240 giảm 310 đồng/kg, hiện ở mức 14.440 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 400 đồng/kg, xuống còn 15.100 đồng/kg. Tại miền Trung, thép Việt Đức giảm 300 đồng/kg với thép cuộn CB240, xuống mức giá 14.800 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng/kg, xuống mức là 15.550 đồng/kg.
Thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc, giảm 310 đồng/kg đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của 2 sản phẩm này hiện lần lượt là 14.570 đồng/kg và 15.430 đồng/kg. Tại miền Trung, thép cuộn CB240 giảm 300 đồng/kg, hiện ở mức 14.780 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng có giá 15.480 đồng/kg. Tại miền Nam, giảm 310 đồng/kg đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. 2 sản phẩm này hiện có giá lần lượt là 14.670 đồng/kg và 15.330 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, cùng với đó nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu. Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cùng giảm cho thấy triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá ảm đạm, trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn đang tìm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ... Đồng thời, hầu hết các nhà máy đang ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng gay gắt về giá bán.
Trong khi đó, theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành thép đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn được xem là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép trong nước trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tiếp tục bám sát các diễn biến giá sắt thép trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm, song song với việc tăng cường đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy tự chủ đối với lĩnh vực tiềm năng này.
Khó khăn vẫn hiện hữu
Dự báo về triển vọng ngành thép những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, biên lợi nhuận ngành thép quý III/2022 dự báo sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý II/2022. Tuy nhiên, với xu hướng giảm giá nguyên vật liệu từ đầu quý III cho tới nay cùng với chính sách mua đuổi bán đuổi thận trọng của các doanh nghiệp thép sẽ được phản ánh vào giá thành, góp phần cải thiện biên lợi nhuận vào cuối quý III/2022. Thị trường thép quý IV/2022 được kỳ vọng sẽ cải thiện khi nhu cầu về thép xây dựng trong nước thường tăng cao trong thời gian này hàng năm do yếu tố thời tiết thuận lợi cho ngành xây dựng. Đồng thời, những cam kết đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ được trông chờ sẽ phát huy tích cực trong quý này, đây cũng được coi là cứu cánh đối với ngành thép và vật liệu xây dựng.
"Nghịch lý dư cung thép xây dựng nhưng lại thiếu nguyên liệu để sản xuất
Bộ Công thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước."
Báo cáo triển vọng ngành thép của Công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS) mới đây cũng phải hạ triển vọng cổ phiếu thép từ tích cực xuống còn trung tính. Những tháng cuối năm 2022, trước áp lực của lạm phát và kiểm soát tín dụng bất động sản, MAS hạ 15% dự phóng sản lượng so với báo cáo trước đây cho cả năm 2022, dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 10%, riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7,6 triệu tấn, tăng 1%, trong khi sản lượng thép tiêu thụ nội địa chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,6%.
Ngoài ra, các chuyên gia của MAS cũng chỉ ra 4 rủi ro mà ngành thép phải đối diện. Thứ nhất, rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65 - 75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC.
Bên cạnh đó, rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm. Từ quý III/2021, việc giá than tăng cao đã trực tiếp gây áp lực tăng giá lên toàn bộ ngành vật liệu xây dựng và nhiên liệu. Trường hợp các loại vật liệu xây dựng không điều chỉnh, trong 6 tháng cuối 2022 diện tích sàn xây dựng có thể suy giảm từ 3 - 5%.
Ngoài ra, rủi ro về chính sách. Nghị định 101/2021/NĐ-CP thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
Nguồn tin: Tài chính