Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sẽ có khủng hoảng kinh tế lần hai?

Cuối cùng thì cả thế giới cũng đã thở phào về câu chuyện Mỹ đã đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Tuy nhiên hiện nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận đó cũng chỉ là tạm thời, và rằng, sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế lần 2 đang bắt đầu hình thành.

Sẽ là sớm để trả lời liệu những lo ngại đó có trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên những lo ngại về một sự giảm giá của đồng đôla đang lan rộng ra toàn cầu. Trung Quốc lo ngại, Nhật Bản lo ngại, giới đầu tư toàn cầu đang lo ngại.

Đầu tiên là câu chuyện của Trung Quốc

Điều gì sẽ xảy ra với khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc nếu như đôla tiếp tục giảm giá, và Trung Quốc đang đối phó như thế nào với điều đó?.

Cất trữ một đống tiền ở trong túi, trị giá 3,2 nghìn tỷ đô, 70% trong đó là các tài sản bằng đôla Mỹ, hơn 1 nghìn tỷ đôla là các trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc thực sự đang trong tình thế khó, vì nếu như đồng đôla mất giá thì đương nhiên khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này sẽ nhanh chóng bốc hơi.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên chương trình “Giảng dạy kinh tế Fulbright” cho rằng: “Nếu anh nợ người khác 1 đồng, thì anh có vấn đề, nhưng người khác nợ anh 1000 đồng là anh nợ nhiều, thì vấn đề lại thuộc về người cho vay anh, là Trung Quốc. Trung Quốc là chủ nợ quá lớn của Mỹ, sợ đôla giảm ảnh hưởng đến dự trữ, trái phiếu của chính phủ Mỹ giảm, Trung Quốc ngần ngừ, có một số báo chí chỉ trích về việc Mỹ không giải quyết những khó khăn về chính phủ Mỹ để ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu”.

Khó khăn của Mỹ, nhưng cũng lại là nguy cơ của Trung Quốc… Ngồi trên đống đôla, nhưng vẫn không thấy vững. Thắt chặt túi tiền mà vẫn sợ tiền bốc hơi. Cầm hơn 1 nghìn tỷ đôla dưới dạng trái phiếu chính phủ Mỹ đang khiến Trung Quốc bất an… Bởi mặc dù Mỹ không vỡ nợ, song hiện các nhà đầu tư lại đang mất niềm tin vào chính phủ Mỹ, vào trái phiếu chính phủ của nước này. Thậm chí một số Ngân hàng Trung ương như Ngân hàng TƯ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất còn tuyên bố, sẽ không coi trái phiếu Mỹ là tài sản trong rổ dự trữ ngoại tệ của mình.

Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh hiện đủ thông minh để biết về nguy cơ ôm các tài sản bằng đồng đôla là quá rủi ro, song họ vẫn phải ôm chặt “quả bom” trái phiếu hơn 1 nghìn tỷ đôla, mà không dám bán tháo ngay lúc này.

Ông Stephen Green, Đại diện Standdarrd Chater tại Trung Quốc cho biết: “Nếu Trung Quốc bán tháo tài sản trái phiếu chính phủ Mỹ, thì các nước khác cũng sẽ lo ngại, bán ồ ạt trái phiếu, sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đồng đôla. Trung Quốc lại có nhiều tài sản đôla nhất thế giới, họ sẽ là người ngã đầu tiên”.

Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Giữ trái phiếu thì lỗ nặng, mà bán ra thì thiệt hại nặng nề hơn. Vì đôla mà giảm giá thì có nghĩa rằng, Trung Quốc chưa kịp hành động gì thì khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 3,2 nghìn tỷ đôla của nước này cũng sẽ ngay lập tức bốc hơi. Thế nên các chuyên gia cho rằng, một động thái hoàn toàn ngược lại là Trung Quốc sẽ phải tiếp tục mua vào trái phiếu Mỹ, cho dù biết là đầu tư vào đó sẽ không có lợi nhuận. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề với Bắc Kinh lúc này là làm sao bình ổn được thị trường.

Ông Stephen Green, Đại diện Standdarrd Chater tại Trung Quốc: “Nhiều khả năng, Trung Quốc không thể bán ra ồ ạt, mà họ sẽ mua vào để tạo sự bình ổn cho thị trường trái phiếu và đôla”.

Thực tế thì Trung Quốc cũng đã tiếp tục mua thêm 7,3 tỷ đôla trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng thứ 2 liên tiếp sau 5 tháng sụt giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, động thái đó cũng chỉ mang tính “còn nước còn tát”của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khi mà giá trị trái phiếu Mỹ, đồng đôla Mỹ lại phụ thuộc vào chính nước Mỹ và niềm tin của giới đầu tư toàn cầu, chứ không phải chỉ là những động thái xoa dịu của Trung Quốc.

Trong tháng qua, đồng USD hạ 6% so với đồng Franc Thụy Sỹ và khoảng 4% so với đồng Yen. Đồng tiền này thậm chí còn được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, và đó là nguy cơ của Trung Quốc. Giới phân tích hiện cho rằng, Trung Quốc đang mắc phải vấn đề là quá nhiều tiền, quá nhiều đôla, và thực sự quá phụ thuộc vào đôla Mỹ.

Với Nhật Bản

Không chỉ Trung Quốc lo ngại đôla mất giá, mà Nhật Bản cũng đang rất lo ngại đồng tiền Mỹ sụt giảm. Bởi đồng đôla sụt giảm đồng nghĩa với việc đồng Yen Nhật tăng giá. Và Yen tăng giá sẽ đe dọa tốc độ tăng trưởng một nước xuất khẩu như Nhật Bản. Chính vì thế, tuần qua, hành động một cách khẩn cấp, mau lẹ, chính phủ Nhật đã quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Tuần qua, chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên kể từ khi xảy ra động đất sóng thần hồi tháng 3, đã lại quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán ra khoảng 4 nghìn tỷ Yen, tương đương 50,6 tỷ đôla Mỹ để hạ giá đồng tiền của mình. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ cũng đã quyết định bơm thêm 10 nghìn tỷ Yen trong một nỗ lực nhằm giảm nhiệt sức tăng của đồng Yen so với đôla Mỹ.

Theo các nhà phân tích, khác với lần tăng giá mạnh hồi tháng 3 khi mà Yen tăng là do nội tại của nền kinh tế Nhật. Lần tăng này là do những vấn đề bên ngoài nước Nhật, khi mà giới đầu cơ do khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu đã bán tháo đồng đôla và Euro, đẩy đồng Yen tăng giá.

Ông Toshihiko Noda, Bộ trưởng Tài chính Nhật phát biểu: “Yen tăng giá đe dọa sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản, cũng như sự ổn định của thị trường tiền tệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát thị trường tiền tệ nếu thấy cần thiết”.

Hiện quan chức Nhật cũng cho biết, hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ, ngăn chặn sự tăng giá của đồng Yen, giảm thiểu sự xuống giá của đồng đôla Mỹ sẽ thực sự cần một sự đồng thuận từ phía các nước phương Tây.

Việc nâng trần nợ công Mỹ có quá quan trọng?

Như vậy, cuối cùng thì những bất đồng về nâng trần nợ công của Mỹ không phải là vấn đề quá quan trọng, và cũng không phải là điều có tác động đến toàn bộ thị trường toàn cầu. Bởi lẽ, dù có thành công trong việc thỏa thuận để tránh cho nước Mỹ một kịch bản vỡ nợ, thì đồng đôla vẫn giảm giá, giới đầu tư toàn cầu vẫn lo ngại đầu tư vào tài sản rủi ro như chứng khoán. Bằng chứng là giới đầu tư đã ồ ạt bán tháo chứng khoán hôm thứ Năm và thứ Sáu vừa qua. Và vàng vẫn tiếp tục là một nơi trú ẩn duy nhất vào lúc này, không chỉ là giới đầu tư, mà còn với cả chính các ngân hàng trung ương các nước.

Tuần qua, trong bối cảnh giá vàng vẫn liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới, thì các ngân hàng Trung ương các nước như Thái Lan, Kazakhstan, hay Hàn Quốc đã đồng loạt thông báo tăng dự trữ vàng để đa dạng khoản dự trữ ngoại tệ của họ. Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sau hơn 1 thập kỷ không mua vàng, thì giờ họ cũng đã phải tính loại tài sản không nhiều rủi ro này để dự trữ, thay đôla.

Như vậy, tất cả những câu chuyện của Trung Quốc, Nhật Bản, rồi động thái bán tháo chứng khoán, hay ồ ạt mua vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nói lên một điều, cả thế giới đang lo ngại một sự sụt giảm mạnh của đồng đôla Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, đang có một cuộc tháo chạy trên toàn thế giới khỏi những tài sản rủi ro, trong đó có đồng đôla Mỹ. Và lẽ đương nhiên, những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu cũng đang có ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường vàng.

Nguồn tin: VTV

ĐỌC THÊM