Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sẽ dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê?

 Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh mới đây, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, đề xuất báo cáo trên quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” trong dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Hiệu quả kinh tế chưa rõ, hậu quả môi trường lớn

Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Có thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng ý cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê”.

Thực tế, mỏ sắt Thạch Khê - với trữ lượng xấp xỉ nửa tỷ tấn, lớn nhất Đông Nam Á, chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt Nam - được kỳ vọng sẽ là "quả đấm thép", đưa nền kinh tế nước nhà nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đi lên hiện đang có nhiều vấn đề lớn cần phải nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Dự án “Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh” trên diện tích đất sử dụng là 3.877 ha, được Chính phủ quyết định cho triển khai vào năm 2007 trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (Công ty TIC) vào ngày 17/5/2007 với 9 cổ đông, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là cổ đông chính.

Đầu năm 2009, Công ty TIC bắt đầu bóc đất tầng phủ bằng thiết bị cơ giới. Tháng 7/2011, sau hai năm liên tục triển khai, đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, đạt độ sâu âm trên 40m. Do nhiều khó khăn mà chủ yếu là do kinh phí, công nghệ, tác động môi trường lớn, Chính phủ đã quyết định buộc phải cho Công ty TIC tạm ngừng triển khai dự án.

Từ khi dừng dự án đến nay, số phận dự án khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á có được tiếp tục hay không luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ngày 25/7 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, hiệu quả kinh tế của dự án chưa thật rõ. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên vùng mỏ để khai thác khoáng sản có rất nhiều rủi ro; hậu quả về môi trường, xã hội rất lớn, thấy rõ, không dễ giải quyết; năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, khả năng huy động vốn vay cho dự án còn chưa xác định…

Theo ông Dương Tất Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vấn đề được các đại biểu, chuyên gia tham gia hội thảo cân nhắc, mổ xẻ nhiều nhất là giữa “cái được và cái mất”, giữa “kinh tế và môi trường” khi dự án khai thác sắt Thạch Khê tiếp tục được triển khai.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tập trung phân tích kỹ 5 cụm nội dung: công nghệ khai thác; công nghệ chế biến; tác động môi trường; hiệu quả kinh tế; tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

Theo GS.TS Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, dự án chưa chứng minh rõ được hiệu quả kinh tế, trong khi hậu quả về môi trường, xã hội thì rất lớn, thấy rõ và không dễ giải quyết.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì cho rằng, địa bàn khai thác quặng dễ tổn thương do đây là vùng đồi cát, giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang tiến dần về hướng biển. Mặt khác, đây là địa bàn thường xuyên chịu tác động của biển như hải lưu, sóng, bão, áp thấp nhiệt đới. Trong lịch sử, khu vực này đã từng xảy ra động đất 6,1 độ richter, dấu vết của sóng thần còn lưu tại những cồn cát tự nhiên từ xa xưa…

Tại hội thảo, các chuyên gia của VUSTA cũng đồng quan điểm với UBND tỉnh Hà Tĩnh: Năng lực của Công ty TIC - chủ đầu tư dự án chưa đáp ứng được điều kiện để khai thác, kể cả với giai đoạn I là bốc đất tầng phủ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Không những yếu, thiếu năng lực tài chính, mà khả năng huy động vốn vay đáp ứng khả năng triển khai dự án TIC cũng chưa xác định được.

Ngoài những lo ngại về suy giảm nước ngầm khu vực, xả thải nguồn nước thải khoảng 200.000 m2/ngày đêm, ảnh hưởng của bãi thải lấn biển đến môi trường biển ven bờ, nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh, ảnh hưởng của vận chuyển quặng và đất đá thải tới hạ tầng giao thông của địa phương…; các đại biểu còn trăn trở và lo lắng về sinh kế, di dân, tái định cư, nguy cơ tranh chấp và xung đột môi trường, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ.

 

Dự án mỏ sắt Thạch Khê gây lo ngại về suy giảm nước ngầm khu vực, xả thải nguồn nước thải khoảng 200.000 m2/ngày đêm...

3 phương án để lựa chọn

Theo lãnh đạo VUSTA, vùng mỏ để khai thác khoáng sản có rất nhiều rủi ro, việc tiếp tục thực hiện dự án là rất mạo hiểm, cần được cân nhắc thận trọng. Tại hội thảo, GS.TS Đặng Trung Thuận nêu 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê trong thời gian tới.

Phương án một, là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Theo phương án này, cái được chính là tiếp nối những công việc đã làm, như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11/2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm.

Cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro, tổng hòa các rủi ro đó là nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội. Nếu chấp nhận phương án này thì việc khắc phục các rủi ro sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Phương án hai, là chấm dứt hoạt động, chấp nhận mất phần vốn đầu tư bỏ ra. Theo phương án này, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là cả chủ đầu tư và địa phương phải chấp nhận mất khoản vốn, công sức đầu tư rất lớn đã bỏ ra.

Phương án ba, là tạm dừng hoạt động của dự án. Nếu phương án này được chấp thuận, việc dừng lại dự án cho phép chủ đầu tư có thời gian lựa chọn phương thức xử lý tốt về môi trường, lựa chọn kỹ thuật và công nghệ khai thác. Cái mất của phương án này là phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt Thạch Khê, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn, việc làm của TIC và kế hoạch phát triển sản xuất của chủ đầu tư.

Hà Tĩnh đề xuất dừng dự án

Trước đó, tại cuộc làm việc với đoàn công tác với thành phần gồm nhiều bộ ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Trung ương xem xét dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Tĩnh nêu một thực trạng khi hàng nghìn người dân của 6 xã vùng biển ngang Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khi phải gánh chịu những hệ lụy khó khăn trong gần 9 năm qua. Do nằm trong quy hoạch nên cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà ở của dân xuống cấp nhưng không được tu sửa; nhiều vùng nằm trong kế hoạch GPMB nhưng chưa được bồi thường và di dời; nhu cầu cấp đất tách hộ (xã Thạch Hải 200 hộ; xã Thạch Bàn 50 hộ) chưa có phương án tái định cư hoặc đang dang dở; hệ thống thủy lợi và nước sạch sinh hoạt thiếu trầm trọng; đất sản xuất bị thu hẹp trong khi chưa chuyển đổi được nghề…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng, nếu Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được tái khởi động (sau khi bị Chính phủ cho tạm dừng từ tháng 7/2011 - PV), lợi ích trước mắt là tăng thu ngân sách từ các nguồn thu thuế, phí; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư; tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương… Tuy nhiên, về lâu dài, do quy mô, phạm vi dự án rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, moong mỏ tạo thành hồ lớn sâu -550m nằm ngay bờ biển và TP. Hà Tĩnh… có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Tại buổi làm việc này, ông Thắng nêu một số nội dung mà tỉnh Hà Tĩnh rất băn khoăn, cần các bộ ngành, các chuyên gia, chủ đầu tư làm rõ như: kỹ thuật, công nghệ, thiết bị khai thác; phương án vận tải, tiêu thụ quặng sắt; năng lực tài chính của các nhà đầu tư; hiệu quả kinh tế của dự án. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường như tụt nước ngầm, xâm nhập mặn, xử lý chất thải, đổ thải lấn biển và các tác động về mặt xã hội khi dự án triển khai…

Ngoài ra, nếu dự án đi vào khai thác, dải du lịch ven biển Hà Tĩnh sẽ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro lớn mà hậu quả trước mắt là cả khu du lịch Thạch Hải (huyện Thạch Hà) với bờ biển đẹp sẽ biến mất.

Về mặt xã hội, dự án sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ổn định đời sống nhân dân, phát triển đô thị của khu vực các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP. Hà Tĩnh.

Một vấn đề mà nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc họp rất quan ngại đó là năng lực tài chính của nhà đầu tư. Thực tế, đã gần 10 năm trôi qua, dù đã nhiều lần cải tổ cổ đông, nhưng đến nay Công ty TIC vẫn chưa lo đủ dù chỉ là phần vốn đối ứng như cam kết.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các cổ đông Công ty TIC mới đóng góp hơn 1.800/hơn 2.000 tỷ đồng vốn đối ứng, tức còn thiếu 224 tỷ đồng. Để đáp ứng “nguồn vốn tự có” như cam kết, mới đây không còn cách nào khác, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được góp vốn thay số vốn trên cho 3 cổ đông không đóng đủ vốn theo quy định.

"Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc, cân nhắc về nhiều mặt, xét thấy lợi ích lâu dài là cơ bản, xuyên suốt, còn lợi ích trước mắt chỉ là tạm thời, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Trung ương xem xét dừng dự án, khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện", ông Dương Tất Thắng khẳng định.

Nguồn tin: ANTT

ĐỌC THÊM