Ngày 11-4, tiếp tục Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Giá, theo đó, sắt, thép, xi măng bị đưa ra khỏi danh mục hàng hóa bình ổn.
Theo dự thảo Luật Giá, Nhà nước sẽ định giá điện Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo dự thảo Luật Giá, Nhà nước sẽ định giá điện Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bình ổn tùy thời điểm
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, cần thực hiện trên nguyên tắc, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục. Vào những thời điểm bất thường về giá, cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết để bình ổn. Do vậy, danh mục có thể có nhiều hàng hóa, dịch vụ, song số phải áp dụng bình ổn sẽ ít hơn. Khi thị trường ổn định, có thể không áp dụng bình ổn đối với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào.
Dự thảo lần này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH và Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo dự luật) cùng thống nhất loại bỏ một số mặt hàng như xi măng, sắt, thép… khỏi danh mục bình ổn. Các cơ quan này đề nghị giữ nguyên mặt hàng phân u-rê, thức ăn chăn nuôi thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá.
Nhiều ý kiến thống nhất quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong luật là cần thiết để đảm bảo công khai, minh bạch. Tuy nhiên, Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, Nhà nước chỉ định giá đối với một số mặt hàng thật sự thiết yếu, phục vụ quốc kế dân sinh. UBTVQH có thẩm quyền trong việc điều chỉnh danh mục căn cứ vào tình hình thực tiễn, từng thời kỳ.
Liên quan mặt hàng sữa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, mặt hàng này cần phải đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền. Bởi đó chính là biện pháp bình ổn giá mà các nước ASEAN đang thực hiện.
Không nên dự trữ tiền
Cùng ngày, UBTVQH thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia (thay thế Pháp lệnh Dự trữ quốc gia hiện hành). Dự thảo luật quy định: Mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, bình ổn thị trường, an sinh xã hội... Đa số ý kiến cho rằng, mục tiêu mà dự án luật đề ra là quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia, chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, ở quốc gia phát triển, nguồn dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó những vấn đề quốc phòng an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Nên xem xét, thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia. Về dự trữ quốc gia bằng tiền, đa số ý kiến đề nghị không nên quy định dự trữ quốc gia bằng tiền, chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu.
“Tiền trong trường hợp này cũng chỉ để mua hàng hóa. Chỉ hàng hóa mới có thể đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với những tình huống này”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Một số ý kiến đề nghị nên xã hội hóa một số lĩnh vực liên quan dự trữ quốc gia như kho chứa, nguồn dự trữ. Tuy nhiên, cần hết sức tránh vấn đề thương mại, kinh doanh trong dự trữ quốc gia. Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ chế độ thanh kiểm tra, kiểm toán, tránh hao hụt, lãng phí, thất thoát tiền bạc của Nhà nước.
Nguồn tin: Tiền Phong