Mặc dù lĩnh vực xây dựng đang khởi động trở lại song giá thép và xi măng cuối năm 2009 sẽ không có đột biến do cung đang vượt cầu.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam ông Phạm Chí Cường cho biết hiện các nước xuất khẩu thép vẫn đang dư thừa khối lượng lớn sản phẩm và đang tìm kiếm thị trường.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, Nga và Ukraina đang cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thép tới thị trường châu Á với giá cạnh tranh. Mới đây trong tháng 3, có báo cáo rằng Nga chào phôi dẹt tới Châu Á với giá 300 USD/tấn FOB so với giá phôi dẹt bình quân FOB Hiệp hội Thép thế giới báo cáo là 345 USD/tấn.
Các nước như Mỹ, Trung Quốc… đang bảo vệ thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu để giúp đỡ các nhà sản xuất thép trong nước.
Tồn kho thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong khi sản xuất phục hồi và nhu cầu đi xuống. Cả kho thép thanh vằn và thép cuộn đều cao vào đầu tháng 3, và sau đó giảm xuống 3,59 triệu tấn và 1,25 triệu tấn ở những thành phố lớn vào thứ sáu trước (ngày 17 tháng 4/2009).
Vào ngày 17/4/09, các kho thép cán nóng, cán nguội và tấm trung bình là 2,68 triệu tấn, 1,18 triệu tấn và 1,26 triệu tấn, giảm 0,18 triệu tấn, 53.000 tấn và 0,14 triệu tấn so với đầu tháng 3. Tuy nhiên, mức này vẫn cao so với hồi đầu năm, và là nguyên nhân chính khiến giá thép giảm.
Việt Nam gần Trung Quốc và các nước Asean, khu vực có giá thép rẻ hơn Việt Nam nên sẽ gặp cạnh tranh về giá khiến cung hàng luôn ở mức cao và giá thép trong nước không thể tăng đột biến.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, tổng sản lượng thép xây dựng trong nước sản xuất từ đầu năm đến nay được 1,84 triệu tấn, trong khi tổng lượng tiêu thụ chỉ đạt 1,57 triệu tấn. Hiện giá thép trên thị trường đang ở mức 10,4 triệu đồng/tấn (thép cuộn) và 10,76 triệu đồng/tấn (thép cây).
Tương tự đối với mặt hàng xi măng. Theo Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), sức tiêu thụ xi măng trong tháng 4 và tháng 5/2009 đã tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2008. Tuy nhiên, việc quý II/2009 sẽ có thêm 6 nhà máy xi măng đi vào hoạt động nên có khả năng sẽ xảy ra dư thừa xi măng vào cuối năm khi công suất của toàn ngành đạt 50 triệu tấn năm 2009 trong khi nhu cầu dự báo của cả nước ở mức 44 – 45 triệu tấn.
Hiện giá bán lẻ xi măng tại khu vực phía Bắc phổ biến ở mức 900.000 đến 1,2 triệu đồng/tấn, khu vực phía Nam ở mức 1,2 đến 1,4 triệu đồng /tấn.
Theo ông Claude Martin giám đốc tư vấn của Deloitte phát biểu trên báo Miningweekly vào tháng 4/2009: “Công nghiệp thép là một trong những công nghiệp chịu tác động đầu tiên bởi tình hình suy thoái và cũng sẽ là một trong những ngành cuối cùng thoát ra khỏi tình hình này. Những ngành khác, như ô tô và xây dựng cần tăng trước thì chúng ta mới có thể nhận thấy công nghiệp kim loại tăng lên”.