Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sẽ thừa 2,4 triệu tấn thép

- Vài tháng nữa ngành thép sẽ bổ sung ít nhất 2 triệu tấn do một số dự án đi vào hoạt động, nâng tổng lượng thép ra thị trường lên đến 7 triệu tấn trong năm 2009. Trong khi đó, nhu cầu thép tối đa trong nước chỉ khoảng 4,6 triệu tấn.

Sản xuất thép tại Nhà máy thép Phú Mỹ - Ảnh: T.T.D.

Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), đến cuối năm 2009, hàng loạt dự án thép xây dựng khắp ba miền Trung - Nam - Bắc “tấn công” thị trường, với quy mô từng dự án lên đến hàng trăm ngàn tấn thép mỗi năm.

Cung vượt cầu

Dự kiến cuối tháng 10-2009, Công ty cổ phần thép Hòa Phát sẽ đưa nhà máy thép cán công suất 350.000 tấn/năm (Hải Dương) vào hoạt động. Tiếp theo đó sẽ là nhà máy thép có công suất 300.000 tấn/năm của Công ty thép đặc biệt Thắng Lợi VN (100% vốn Trung Quốc - KCN Cầu Nghìn, Thái Bình).

Còn trước đó, Công ty cổ phần thép Việt (Pomina) cũng đi vào hoạt động nhà máy có công suất 500.000 tấn/năm; Công ty cổ phần thép Sông Hồng (Tổng công ty Sông Hồng, Hà Nội) đặt tại KCN Bạch Hạc (Phú Thọ) có công suất 180.000 tấn/năm.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch VSA, đến cuối tháng 8-2009 tổng lượng thép tiêu thụ của toàn hiệp hội ước đạt 2,7 triệu tấn. Do đó, nếu tính bình quân bốn tháng còn lại lượng tiêu thụ khoảng 320.000 tấn/tháng, tổng lượng thép tiêu thụ cả năm 2009 khoảng 4 triệu tấn. Cộng thêm lượng thép ngoài hiệp hội khoảng 600.000 tấn nữa thì nhu cầu tối đa của năm 2009 khoảng 4,6 triệu tấn, tăng trên 20% so với năm 2008. “Việc thừa hơn 2,5 triệu tấn thép hiển hiện khá rõ nếu nhu cầu đúng như dự báo của VSA” - ông Nghi cho hay.

Tìm đường xuất ngoại

"Chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều lần ở nhiều cấp bộ ngành, địa phương, thậm chí cứ có doanh nghiệp mới nào tìm đến VN muốn đầu tư vào thép xây dựng chúng tôi đều cho biết nhu cầu thực tiễn lẫn công suất hiện hữu của ngành. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư vào lĩnh vực này"

Ông PHẠM CHÍ CƯỜNG (chủ tịch VSA)

Theo ông Phạm Chí Cường (chủ tịch VSA), một trong các giải pháp xử lý “thừa thép” đã được các doanh nghiệp tính đến là xuất khẩu. Thực tế đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu thép đi các nước như Campuchia, Lào, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ lẫn Nhật, nhưng chủ yếu vẫn sang hai thị trường chính là Campuchia và Lào.

Thế nhưng số lượng hiện vẫn rất khiêm tốn, 50.000-70.000 tấn/năm, do bị cạnh tranh gay gắt về giá bởi các đối thủ là Thái Lan hoặc Trung Quốc. Riêng với các nước như Nhật, Mỹ... việc xuất khẩu chỉ mang tính chất thời vụ, số lượng ít và chưa được tính đến như một chiến lược kinh doanh lâu dài. Nhưng đó là câu chuyện của các năm trước khi khủng hoảng kinh tế chưa nổ ra.

Còn hiện nay nhiều chuyên gia cho biết cho dù tìm được thị trường có nhu cầu để cung ứng, kể cả chấp nhận bán dưới giá thành cũng không đơn giản do các nước đều thừa thép.

Ông Đ., phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp thép trong nước, cho biết sáu tháng đầu năm nay việc xuất khẩu của công ty sang thị trường Campuchia đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái do Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc đều đồng loạt “đổ hàng” vào thị trường này với giá 440-460 USD/tấn, thấp hơn giá doanh nghiệp VN gần cả 100 USD/tấn.

Tương tự, theo ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Pomina, dù nỗ lực hết sức nhưng khả năng xuất khẩu sang Campuchia của công ty trong năm nay cũng bằng năm 2008, khoảng 28 triệu USD. Ông Thái cho rằng: “Thừa thép ở mức 30% so với nhu cầu là một con số khá lý tưởng để các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau. Nhưng nếu thừa hơn tỉ lệ nói trên lại trở thành một vấn đề đáng ngại”.

Theo ông Thái, khả năng doanh nghiệp buộc phải giảm giá bán thép từ việc thừa thép sẽ không lớn bằng khả năng tiết giảm sản xuất so với công suất thiết kế. Lý do là doanh nghiệp sản xuất vẫn bị phụ thuộc nguồn phôi thép nhập khẩu nên giá bán tăng, hoặc giảm ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu phần lớn phải dựa vào giá nguyên liệu thế giới. Còn nếu tiết giảm sản xuất, doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề khấu hao thiết bị, kéo dài thời gian “nợ nần” cho khoản đã đầu tư, sức cạnh tranh càng bị thụt lùi không thể có một giá thành sản xuất hợp lý để tiếp cận người tiêu dùng.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM