Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Siết chặt nhập phế liệu và vấn đề phát triển bền vững

 Theo Tổng cục Hải quan, hiện có hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu (NK), không chỉ gây ách tắc cảng biển, mà còn biến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác thải công nghiệp” của thế giới. Qua vấn đề này, các doanh nghiệp cũng cần tính toán lại việc chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Có DN vẫn lợi dụng lỗ hổng về nhập lậu rác phế liệu

Theo Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng l6,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200 đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 4,5 triệu tấn phế liệu các loại, đây là mức tăng khá đột biến.

Tính riêng tại Cảng Cát Lát (TPHCM) thống kê số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại bãi là hơn 3.500 container, trong đó từ 30 – 90 ngày là 555 container, quá 90 ngày là 2.531 container. Đây được xem khu vực tồn đọng phế liệu nghiêm trọng nhất.

Còn tại Hải Phòng, cũng đã có hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu đang ứ đọng ở các cảng biển, trong đó 2/3 số container đã quá 90 ngày mà chủ hàng chưa đến làm thủ tục thông quan.

Theo cơ quan hải quan, ngay từ đầu năm, khi có thông tin Trung Quốc cấm nhập phế liệu, ngành Hải quan đã tham mưu để cảnh báo. Trong đó, Tổng cục hải quan đã có Chỉ thị tăng cường kiểm soát việc nguyên liệu phế liệu. Trường hợp, doanh nghiệp (DN) vẫn đưa hàng về, cơ quan hải quan đã có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ngoài nhu cầu nhập thực tế cho DN sản xuất, nhập nhựa, sắt thép, ngoài phế liệu thì một số mặt hàng không được phép NK như: hàng phế thải, phế liệu điện tử không theo quy chuẩn, một số DN không được phép và cố tình và sau đó bỏ trốn.

Có doanh nghiệp không có giấy phép NK hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn lách luật liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa, hay giấy phép nhập khẩu của DN khác để đóng hàng về Việt Nam.

Ngoài ra, cũng có không ít DN không có giấy phép lại dùng “chiêu”chuyển đổi tên người nhận cho các DN có giấy phép để làm thủ tục nên việc theo dõi, kiểm soát NK gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, sau khi đưa hàng về cảng, các DN không đủ điều kiện thông quan đã “bỏ của chạy lấy người”, từ chối nhận hàng khiến số lượng container phế liệu tồn đọng trong vài tháng trở lại đây tăng lên đáng kể.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng Cục Hải quan đã có chỉ thị tăng cường kiểm soát hàng hóa phế liệu NK về cảng, kiểm soát chặt chẽ đối với những đơn hàng ngoài nhu cầu thực tế NK phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất như bột giấy về sản xuất giấy, hạt nhựa về cho các nhà máy sản xuất nhựa, sắt thép cho nhà máy sản xuất sắt thép….

Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu tháng 7/2018 đến nay cơ quan hải quan đã phát hiện 25 lô hàng không đạt điều kiện nhập, chủ yếu là mặt hàng liên quan đến phế liệu nhựa, giấy, sắt thép… Chủ hàng không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường để nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất; không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.

“Đáng chú ý, phần lớn các lô hàng vi phạm đều không thể tái xuất do các quốc gia không muốn nhận lại. Trong trường hợp phải tiêu hủy, nhà nước phải bỏ kinh phí, thường tốn kém và mất nhiều thời gian” , ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Một trong những nguyên nhân khiến các DN vi phạm tận dụng kẽ hở là do cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ, khiến các chủ tàu vẫn chở phế liệu về Việt Nam nhưng không có người đến nhận, trong khi việc xuất ngược lại container đó là thể đã tạo ra gánh nặng lên nhà nước phải giải tỏa, xử lý.

DN cần chủ động nguồn nguyên liệu, bảo vệ môi trường

Từ những vấn đề về môi trường và những rủi ro mà DN đang gặp phải khi gặp khó trong việc thông quan hàng loạt container phế liệu nhập. Nhưng nhìn rộng hơn, đây cũng chính là lúc các doanh nghiệp cần nhìn lại để tránh phụ thuộc phế liệu nhập khẩu, từ đó chủ động nguồn nguyên liệu phù hợp bảo vệ môi trường, vì sự sống còn của chính mình.

Theo dự báo, đến năm 2023, lượng nguyên liệu nhựa chính phẩm cho sản xuất ở Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn. Lượng nhựa phế liệu nhập khẩu phục vụ pha trộn lên tới 3 triệu tấn/năm, chưa tính phần nhập khẩu để sản xuất nhựa tái sinh xuất khẩu. Ngành nhựa được coi là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất ở nước ta. Trong 10 năm qua, mức tăng trưởng của ngành này luôn đạt khoảng 15 đến 20%, nhưng phải NK tới 80% nguyên liệu. Hiện nay, các nhà máy trong nước sản xuất mỗi năm 780.000 tấn nguyên liệu nhựa…Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) phân tích, căn cứ nhu cầu về nguyên liệu của toàn ngành nhiều năm qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng lũy kế hằng năm đạt 10%, đến năm 2023, ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài cần tận dụng nhựa về liệu từ nhập để tái sinh, đưa vào sản xuất sản phẩm, kéo dài vòng đời của nguyên liệu nhựa để đem lại hiệu quả về mặt kinh tế luôn là mục tiêu hướng đến ở các quốc gia, ngay cả ở các khu vực kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ và EU. Nếu so sánh, giá thành thành phẩm nhựa sau khi nhập để tái chế luôn thấp hơn hạt nhựa nguyên sinh khoảng 30%, thậm chí 40%. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, nhưng trong hai năm qua, Việt Nam nhập khẩu và tiêu thụ lượng lớn các sản phẩm nhựa từ Thái Lan và Malaysia, Indonesia. Việc bị động về nguồn nguyên liệu, kéo theo thiếu chủ động về giá nguyên liệu phần nào hạn chế sự bứt phá của DN nhựa trong nước.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phát triển nền công nghiệp tái chế tiên tiến cho ngành nhựa trên nền tảng không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế có ý nghĩa cấp thiết.

Về phía Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt việc NK phế liệu và sẽ cương quyết yêu cầu phải tái xuất đối với các container phế liệu NK trái phép. Đây cũng là thông điệp rõ ràng để các số hãng tàu, DN kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong NK phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu.

Để cùng với Chính phủ giải quyết tình trạng NK phế liệu, tại các địa bàn cảng trọng điểm, cảng biển lớn, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố, DN kinh doanh cảng trong việc thực hiện thủ tục hải quan, cũng như xử lý, phân loại các lô hàng phế liệu tồn đọng. Còn đối với các lô hàng của DN đã nhập khẩu về cảng, Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố và các chi cục kiểm định hải quan kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm các lô hàng phế liệu NK phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, phải là nguyên liệu “sạch” mới được thông quan đưa vào sản xuất. Đối với các lô hàng đang tồn đọng tại cảng quá 30 ngày trở lên, cơ quan hải quan đang rà soát. Trong trường hợp chủ hàng (người đứng tên trên vận đơn) không có đủ giấy tờ theo quy định, sẽ thực hiện xử lý theo quy định pháp luật, có thể buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Dưới góc độ địa phương, là một trong những địa phương có cửa khẩu quốc tế, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu. Các đơn vị phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để thu thập, phân tích thông tin trong hoạt động nhập phế liệu; kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng phế nhập khẩu, kịp thời phát hiện các sai phạm để ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định. Hải quan Quảng Ninh cũng yêu cầu các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng này, nhưng vẫn bảo đảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Nguồn tin: Chính phủ

ĐỌC THÊM