Lượng phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng biển ngày càng tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác có khả năng trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp.
Ùn ứ phế liệu gây nguy hại môi trường.
Theo báo cáo của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 3.100 container hàng phế liệu nhập về đang được lưu giữ, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Cụ thể số lượng container hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày tại các chi cục hải quan khu vực 1, 3 và 4 của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 2.255 container.
Trong khi đó, cũng theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/6, Việt Nam nhập hơn 2,28 triệu tấn sắt thép phế liệu, với kim ngạch hơn 816 triệu USD.
Lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu tăng hơn 800.000 tấn, (hơn 55%) so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đã tăng hơn 50%.
Việt Nam nhập khẩu sắt thép phế liệu nhiều nhất từ thị trường Mỹ và Nhật Bản, trong đó sắt thép phế liệu của Nhật Bản nhập về hơn 546.000 tấn và Mỹ là gần 400.000 tấn.
Nhiều ý kiến khẳng định, lượng sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam phục vụ chủ yếu cho các nhà máy luyện gang thép.
Các loại sắt thép của các nước bao gồm sắt thép trong thiết bị, máy móc cũ, thép vụn và thép công trình cũ.
Và cũng chính vì điều này dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi lượng sắt thép phế liệu thường đi kèm với nhiều loại chất thải độc hại, cần xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.
Không những chỉ nhập sắt thép phế liệu, mới đây nhất trong văn bản báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn cho biết, toàn ngành hải quan đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng.
Hành vi chủ yếu là làm giả hồ sơ, con dấu; nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu, cất giấu hàng cấm nhập khẩu, hàng có giá trị, thuế suất cao… trong các lô hàng phế liệu.
Những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất nhựa, giấy, thép có xu hướng gia tăng mạnh; điều này cũng đi kèm với nguy cơ các đối tượng lợi dụng gian lận.
Trước thực trạng phế liệu tràn vào Việt Nam, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các hồ sơ xin cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và thông báo cơ quan hải quan danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện.
Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sửa đổi một số văn bản liên quan đến cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh cảng trong việc kiểm tra giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: Đại đoàn kết