Các dự án thép trong thời gian sắp tới phải thỏa bốn điều kiện lớn mới được cấp phép. Ảnh minh họa là nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân. Ảnh: vinashin.com.vn |
- Các nhà đầu tư vào các dự án thép muốn được cấp phép thì dự án sẽ phải đảm bảo bốn điều kiện lớn, theo quy định mới nhất mà Bộ Công Thương vừa ban hành trong văn bản số 8017, do Thứ trưởng Lê Dương Quang ký, gửi UBND các tỉnh.
Bộ Công Thương cho biết, việc quản lý và cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án sản xuất gang, thép tại một số địa phương chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết, và đây là lý do chính mà bộ ban hành văn bản quy định việc đầu tư các dự án sản xuất gang thép, áp dụng từ quí 4-2009.
Theo nội dung văn bản (ký ngày 17-8), các quy định tạm thời về điều kiện đầu tư các dự án sản xuất gang, thép nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc quản lý các dự án tại các địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam 2007-2015.
Theo đó, đối với các dự án đã có trong quy hoạch, chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư xây dựng và báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư. Còn các dự án chưa có trong quy hoạch thì dù địa phương đã chấp thuận, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Công Thương để trình Thủ tướng cho phép bổ sung vào quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư. Sau khi được chấp thuận, chủ đầu tư mới tiến hành các bước như đối với dự án đã có trong quy hoạch.
Các dự án xin cấp giấy chứng nhận đầu tư kể từ quí 4 năm nay phải đảm bảo 4 điều kiện. Thứ nhất, phải áp dụng công nghệ lò cao với dung tích lò tối thiểu là 500 m3 (khu vực có nguồn quặng sắt không tập trung), không kể các lò cao chuyên dùng sản xuất gang đúc cơ khí hay tối thiểu là 700 m3 (khu vực có nguồn quặng sắt tập trung). Các dự án sử dụng quặng sắt nhập khẩu, đặt ở ven biển thì dung tích lò cao tối thiểu là 1.000 m3. Nếu dự án áp dụng công nghệ lò điện thì công suất tối thiểu 70 tấn/mẻ; công nghệ lò thổi ô-xy thì công suất tối thiểu 70 tấn/mẻ.
Tất cả các dự án sử dụng các công nghệ nêu trên, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, phải đảm bảo thiết bị đồng bộ, chế tạo mới, có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (đặc biệt là suất tiêu hao năng lượng ở mức tiên tiến so với khu vực, đảm bảo các yêu cầu về chất thải, thân thiện môi trường).
Điều kiện thứ hai là các dự án phải có nguồn cung cấp quặng sắt ổn định tối thiểu trong 15 năm. Đối với dự án dùng sắt phế nhập khẩu thì phải có nguồn cung trong nước và nhập khẩu.
Kế tiếp, các dự án sử dụng lò điện phải có thỏa thuận của ngành điện nơi đặt nhà máy luyện thép, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho dự án; có thỏa thuận của cơ quan chức năng về địa điểm xây dựng đáp ứng điều kiện về giao thông, cung cấp nước, vị trí đặt bãi thải.
Điều kiện cuối cùng là đảm bảo nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng theo tiến độ dự án.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, các điều kiện này không quá khắt khe, thậm chí điều kiện về dung tích lò cao tối thiểu để luyện gang cỡ 500 m3 chỉ là loại lò nhỏ ở các nước. Tuy nhiên, tất cả các dự án liên hợp sản xuất thép đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có dự án nào có công suất đạt đến cỡ này, nhiều dự án đang đầu tư của các doanh nghiệp trong nước dung tích lò chỉ từ 200 m3 đến 300 m3.
Các dự án liên doanh với nước ngoài có công suất lò cao đăng ký quy mô lớn nhưng hầu hết đến nay chưa khởi động, trừ dự án nhà máy của Công ty Thép Việt đặt tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), công suất 1,5 triệu tấn/năm đến tháng 9 này mới chính thức đi vào hoạt động.
Một lãnh đạo công ty sản xuất thép cho biết, các quy định này cũng đang được Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn trên thế giới - áp dụng. Hiện tại, Trung Quốc không cấm nhưng hạn chế đến mức ngặt nghèo việc cấp phép cho các lò cao loại 500 m3, mà thông thường phải 700-1.000 m3 để thúc đẩy công nghiệp sản xuất thép hiện đại, đồng bộ và tránh manh mún, nhỏ lẻ như trước.