Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Siết kiểm tra sắt thép vụn nhập khẩu, doanh nghiệp thép kêu cứu

 Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong quản lý sắt thép vụn nhập khẩu.

VSA kiến nghị Tổng cục Hải quan loại trừ sắt thép vụn (mã HS 7204) ra khỏi đối tượng điều chỉnh của công văn trên. Bên cạnh đó, kiến nghị tăng tỷ lệ tạp chất trong các lô hàng sắt thép vụn nhập khẩu từ 3-4% thay vì 1% như hiện nay vì rất khó tìm được sắt thép vụn có tỷ lệ tạp chất chỉ 1%.

Kiến nghị này xuất phát từ quy định mới ban hành của Tổng cục Hải quan về việc siết chặt nhập khẩu các loại phế liệu có hại từ ngày 26-6. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu khi thực hiện thủ tục đối với hàng khai báo là phế liệu nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích, đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đồng thời, phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để phục vụ công tác thanh, kiểm tra.


Bên trong một nhà máy sản xuất thép

Việc lấy mẫu kiểm tra này khiến các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện hồ quang gặp khó khăn, vướng mắc và phát sinh thêm thời gian, chi phí cho việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Theo VSA, nếu thực hiện theo công văn trên, cứ 100 container sắt thép vụn nhập khẩu phải lấy mẫu 10 tấn, theo VSA thì lượng lấy mẫu này là rất lớn và gây khó khăn cho cả hải quan lẫn doanh nghiệp.

Việc thực hiện theo quy định trên cũng sẽ kéo dài thời gian thông quan, làm phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi, lưu tàu.

Ngoài ra, việc lấy mẫu và chờ kết quả giám định dự kiến kéo dài từ 30 - 90 ngày thì các nhà máy sẽ không đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng như có nguy cơ phải bồi thường cho các chủ hàng vì giao hàng không đúng hạn.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho biết văn bản gửi ngày 6-7, đến nay chưa có phản hồi từ Tổng cục Hải quan. VSA đang tìm mọi kênh để sớm có phản hồi từ cơ quan hải quan vì càng để lâu chừng nào các doanh nghiệp nhập khẩu thép thiệt hại nhiều chừng đó.

Cũng theo ông Sưa, hiện có khoảng vài chục doanh nghiệp nhập khẩu thép phế liệu và sản xuất thép bằng công nghệ hồ quang bị ảnh hưởng bởi quy định này. Sản xuất thép bằng điện hồ quang đang phát triển mạnh tại Việt Nam, sản lượng thép cung ứng ra thị trường bằng công nghệ này đang cao hơn sản xuất bằng lò cao từ 2-10 lần. Từ năm 2013 -2017, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất thép hồ quang nhập khẩu từ hơn 3.000 đến gần 5.000 tấn sắt thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Nguồn tin: Người lao động

ĐỌC THÊM