Sau khi tạo điều kiện để tín dụng ngoại tệ phát triển, nhà điều hành đang tính siết lại. Ở đây, có những yếu tố có thể ngoại trừ.
Đến lúc này, vẫn còn những quan điểm khác nhau về tốc độ tăng trưởng mạnh của tín dụng ngoại tệ trong năm 2010 và có hơi hướng nối tiếp đầu 2011: tích cực và tiêu cực.
Một lần nữa, vấn đề này được chú ý trong định hướng điều hành chính sách mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, triển khai Nghị quyết số 11 ngày 24/2/2011 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Cú hích của chính sách
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2010, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 29,81%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng tới 49,3%. Nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ tăng 27,6%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 37,7%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh trong năm 2010 có hơi hướng nối tiếp đầu năm 2011, khi tính đến ngày 21/1 so với tháng trước mức tăng đã là 2,37% (trong khi tăng trưởng tín dụng chung đến 21/1 chỉ 0,43% và bằng VND lại giảm 0,09%).
Có một nguyên nhân chính, xuất phát từ lợi ích của nhu cầu vay vốn: chênh lệch giữa lãi suất vay vốn bằng VND so với USD quá lớn đã kích thích sự tập trung lựa chọn, góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh.
Nhưng, gốc rễ vẫn là cú hích từ chính sách.
Cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước có thông tư mở rộng thêm hai đối tượng nhu cầu vốn được vay bằng ngoại tệ; trong đó đáng chú ý là các nhu cầu để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.
Đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm khá mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ; từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Khoảng 500 triệu USD ước tính tại thời điểm đó được “trả lại” cho các ngân hàng theo sự điều chỉnh này.
Đó là hai điều chỉnh quan trọng của chính sách tác động đến xu hướng tăng trưởng của tín dụng ngoại tệ.
Và động thái ghìm cương
Không phải đến lúc này việc hạn chế tín dụng ngoại tệ tăng trưởng nóng mới đặt ra. Ngay từ giữa năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đưa ra 6 yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng nhằm tăng cường kiểm soát dư nợ ngoại tệ.
Trong thông điệp đưa ra cuối tuần qua, động thái ghìm cương thể hiện rõ nét hơn, dù chưa cụ thể ở các văn bản điều hành. Có hai điểm đáng quan tâm trong thông điệp đó.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa đổi cơ chế cho vay ngoại tệ để kiểm soát tốc độ cho vay ngoại tệ khoảng 20% trên nguyên tắc chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu của nền kinh tế và có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thứ hai, thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, sử dụng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ cả việc cho vay và bán ngoại tệ để thanh toán cho nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, không cấp bách.
Ngoài ra, nhà điều hành cũng đề cập đến việc tăng cường kiểm soát sự dịch chuyển tín dụng từ VND sang ngoại tệ.
Theo định hướng đó, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao được hiểu là đáng lo ngại và tốc độ sẽ bị siết lại. Nhưng đó không hẳn là một mẫu số chung cho tất cả các nhu cầu vay.
Yếu tố ngoại trừ
Đến thời điểm này, liệu có thể nói việc mở rộng đối tượng nhu cầu được vay ngoại tệ nói trên của Ngân hàng Nhà nước là một giải pháp kỹ thuật, có dụng ý sâu xa?
Cụ thể, Thông tư số 25/2009/TT-NHNN về mở rộng đối tượng nhu cầu vay ngoại tệ có quy định: các nhu cầu để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu được vay ngoại tệ; nhưng, trường hợp cho vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, điều kiện đặt ra là khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay.
Ở trường hợp đó, nguồn vốn huy động để cho vay của các ngân hàng được chuyển hóa thành vốn thương mại, tạo cung ngoại tệ cho thị trường, góp phần xoa dịu tỷ giá. Thực tế, sau chính sách này, tỷ giá USD/VND đã có khoảng 7 tháng liên tiếp ổn định, thậm chí có những thời điểm giá USD trên thị trường tự do thấp hơn giá của các ngân hàng thương mại. Đây là một cách tạm ứng nguồn thu ngoại tệ trong tương lai của các doanh nghiệp xuất khẩu, tháo gỡ tình trạng găm giữ hoặc phân tán ngoài hệ thống ngân hàng.
Một thực tế tham khảo ở đây là, ngay cả khi áp trần lãi suất tiền gửi USD tối đa 1%/năm đối với các tổ chức kinh tế, tình trạng găm giữ ngoại tệ trong doanh nghiệp vẫn chưa thể gỡ bỏ. Tuần qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bán lại ngoại tệ cho ngân hàng…
Trong dòng chảy bình luận thời gian qua, một số ý kiến bày tỏ quan ngại tín dụng ngoại tệ tăng trưởng nóng sẽ tạo sức ép cầu ngoại tệ để trả nợ khi đáo hạn, tạo áp lực lên tỷ giá. Lo ngại này cũng không phải là mẫu số chung cho tất cả các nhu cầu vay; đặc biệt là sự gia tăng của tín dụng ngoại tệ từ năm 2010 có yếu tố mới là nhu cầu từ các doanh nghiệp xuất khẩu - đã được “bảo lãnh” bằng nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai.
Lo ngại đó chỉ nên gói ở nhóm nhu cầu vay cho thanh toán nhập khẩu mà không có nguồn thu ngoại tệ đối ứng, hoặc vay nhưng không bán lại khoản ngoại tệ đó cho các ngân hàng. Đây cũng chính là nhóm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét siết lại như định hướng chung vừa đưa ra.
Còn với nhóm xuất khẩu cùng điều kiện phải bán lại ngoại tệ khi vay nói trên, giá trị chuyển hóa và tính năng tạm ứng nguồn vốn cần tiếp tục duy trì. Thậm chí, cần khuyến khích dòng tín dụng ngoại tệ ở nhóm này. Và sự dịch chuyển tín dụng từ VND sang ngoại tệ ở đây cũng không hẳn là đáng lo ngại.
Nguồn: Vneconomy