Năm 2005, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Theo đó, với tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 3.843 tỷ đồng, dự án này được ví như siêu dự án của ngành. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai siêu dự án đang “gặp rất nhiều khó khăn” và buộc lòng Tổng Công ty Thép Việt Nam (VN Steel ) phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp hai lần, đạt con số 8.100 tỷ…
Nhìn bao quát, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của ngành thép giống như một đại công trường |
Sau khi được phê duyệt, tháng 9/2009, siêu dự án này chính thức được khởi công. Tuy nhiên, dự án này đang bước sang năm thứ 6 tính từ ngày được khởi công, động thổ. Theo tính toán, “công trường” sẽ được kết thúc và nhà máy này sẽ được nghiệm thu và chạy thử nghiệm vào năm 2011. Thế như, thực tế, hiện tại toàn cảnh của dự án là một đại công trường, với máy móc, thiết bị. Cam kết “chạy thử” sẽ là câu hỏi khó với chủ đầu tư vào lúc này, và chưa biết bao giờ, nhà máy này được chính thức vận hành theo đúng sứ mệnh của nó.
Trên đại công trường của ngành thép, những cột bê tông đang cố giữ chặt các lõi thép hoen rỉ vì phơi sương gió. Giữa bạt ngàn cây cỏ, cả đám đất rộng mênh mông lố nhố nhiều hạng mục của công trình. Nơi đó có những căn nhà được xây dựng đến tậng tầng 2, có nơi chỉ là các cọc bê tông mọc lên từ đất cao quá đầu người.
Cũng trên khu đất dự án, một căn lều che bạt được dựng lên tạm bợ, dường như đó là nơi trú ngụ của một vài công nhân sau buổi làm việc mệt nhọc ở công trường. Không bận tâm đến khách lạ đang có mặt, một công nhân chỉ nói cụt lủn “có việc gì cũng làm cố mà kiếm mấy đồng lo cho gia đình cái tết”.
VN Steel cũng thừa nhận rằng, quá trình triển khai dự án “gặp rất nhiều khó khăn”, đặc biệt là trong việc thực hiện hợp đồng EPC số 01 (là gói thầu chính của dự án). Những khó khăn đó, được lý giải là do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Những khó khăn này, được phía VN Steel dẫn ra là do “bất khả kháng” về biến động thị trường đã làm giá cả nguyên vật liệu tăng cao, chính sách của nhà nước cũng có nhiều thay đổi, do kéo dài thời gian thi công nên chi phí tài chính cho dự án phát sinh tăng đã tác động ảnh hưởng.
Trước sức ép được cho là do những biến động, Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm văn bản để nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8/104 tỷ đồng, tăng lên 4.261 tỷ đồng so với ban đầu. Trong cơ cấu nguồn tiền xin điều chỉnh này, chi phí thiết bị chiếm đến 1.930 tỷ đồng, và chi phí xây dựng cũng “đội” lên 1.137 tỷ đồng.
Theo VN Steel, việc “điều chỉnh tổng mức đầu tư” là cần thiết và phù hợp với quy định. Những nguyên nhân tác động đến quá trình thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư của dự án cũng được tổng công ty này “xác nhận” khi “theo dõi và chỉ đạo”.
Tăng vốn hơn 4.000 tỷ đồng, VN Steel cho rằng, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nói trên là “khả thi”, điều quan trọng là các tổ chức tín dụng đồng ý cho vay bổ sung theo tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn như đề nghị của chủ đầu tư.
Trong đề xuất của mình, lãnh đạo VN Steel đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ chấp thuận và có ý kiến với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại tiếp tục bố trí vốn vay cho đề xuất điều chỉnh nguồn tiền cho dự án.
Một nguồn tin cho hay, dù đã đội giá lên gấp đôi nhưng số tiền đó có thể vẫn chưa đủ để hoàn công cho dự án, nên có thể tới đây, việc điều chỉnh giá sẽ còn … tiếp tục.
Nhà thầu bê bối Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Chính phủ đã có chỉ đạo tách riêng Phần C (xây dựng và lắp đặt của hợp đồng EPC số 01#) giao cho Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thực hiện. Do vậy, đến tháng 9/2009, dự án mới được tái khởi động sau nhiều năm động thổ! Tuy nhiên, do không đảm bảo tiến độ, Vinaincon đã bị chủ đầu tư “thanh lý” sớm hợp đồng và “ra đi” cùng 9 nhà thầu khác. Bê bối của của những nhà thầu chưa dừng lại ở đây, khi công trình của dự án này có dấu hiệu bán thầu trái quy định… |
Nguồn tin: phapluatvn