Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Siêu dự án thép 16 tỷ USD bắt đầu "đòi" ưu đãi

Nếu muốn chấp thuận những kiến nghị đặc biệt của chủ đầu tư siêu dự án thép 16 tỷ USD tại Hà Tĩnh thì có lẽ, Việt Nam sẽ phải… sửa luật.

Với tổng qui mô đầu tư các giai đoạn lên tới 16 tỷ USD, dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương” nằm tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa- Đài Loan là dự án FDI khổng lồ nhất hiện nay. 

Sau hai năm kể từ ngày động thổ (6/7/2008), dự án vẫn chưa tiến triển nhiều do tỉnh chậm bàn giao mặt bằng.

Mới đây, để tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn cũng như dự phòng cho sản xuất kinh doanh sau này, Tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Hà Tĩnh xin cơ chế đặc biệt.

 

Mô tả ảnh.
Mô hình dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà tĩnh

 

Theo đó, chủ đầu tư này đề nghị cho phép dự án được miễn áp dụng qui định “hạn mức tín dụng ngân hàng nước ngoài từ 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng mẹ tại nước ngoài thành 15% vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam”.

 

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương được coi là dự án FDI có tốc độ cấp phép kỷ lục nhanh nhất ở Việt Nam. 

Tính từ lúc được chấp thuận chủ trương đến lúc cấp phép, chỉ mất 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6/2008). 

Đến nay, chủ đầu tư đã trả xong tiền thuê đất hơn 80 tỷ đồng cho tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, Hà Tĩnh mới bàn giao cho chủ đầu tư 1.396ha đất liền và 1.293ha mặt biển trên tổng số hơn 3000ha diện tích dự án.

Tập đoàn này phân tích, giai đoạn 1 của dự án triển khai trong 3 năm, vốn đầu tư là 8,9 tỷ USD, trong đó, 2,7 tỷ USD là vốn tự có của doanh nghiệp và 6,2 tỷ USD là vốn đi vay. Do đó, mỗi năm, Tập đoàn này cần vay khoảng 2 tỷ USD.

 

“Tại Việt Nam, có 12 ngân hàng với nguồn ngoại tệ dồi dào, có tổng vốn chủ sở hữu tai ngân hàng mẹ ở nước ngoài vào khoảng 413,3 tỷ USD. Nếu căn cứ vào vào vốn chủ sở hữu tại chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam, thì lượng vốn này giảm một lượng lớn, chỉ còn 0,27 tỷ USD. Nếu lượng vốn vay bằng 15% thì chỉ còn khoảng 0,04 tỷ USD.”

“Như vậy, nếu dự án này không thể được miễn áp dụng hạn mức nêu trên, sẽ dẫn đến việc huy động vốn gặp khó khăn, khiến dự án không thể thực hiện được”, Hưng Nghiệp- Formosa nhấn mạnh.

Cùng đó, Tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa cũng đề nghị được miễn khoản 10% thuế nhà thầu đối với các khoản lãi vay từ ngân hàng nước ngoài cũng như, miễn thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu, vật liệu, vật tư tiêu hao phục vụ dự án và trong toàn bộ quá trình kinh doanh.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư này còn muốn xin bộ ngành Việt Nam cho áp dụng qui định về cân đối ngoại tệ, cung cấp đủ theo tỷ suất ngoại tệ được qui định. Nếu vẫn không đủ, thì đề nghị cung cấp cho dự án lượng ngoại tệ có được từ việc thay thế nhập khẩu, cung cấp cho dự án sử dụng. hỗ trợ về cân đối ngoại tệ.

Bởi, trong 3 năm đầu, mỗi năm doanh nghiệp sẽ cần phải có 2,86 tỷ USD để chi trả và lượng ngoại tệ không đủ dự tính mỗi năm lên tới 1- 1,5 tỷ USD.

So sánh chính sách với các nước, Formosa bày tỏ quan điểm, đây là dự án trọng điểm quốc gia, thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư nên xứng đáng được hưởng các ưu đãi trên.

Trao đổi với PV VietNamNet, một đại diện của Bộ Công Thương cho hay. “Formosa là doanh nghiệp FDI đầu tiên đến Việt Nam lại muốn “xin” cơ chế ưu đãi lớn như vậy. Tuy nhiên, dự án của Formosa là dự án lớn về qui mô, nhưng không phải là dự án trọng điểm kinh tế quốc gia như Formosa nói.”

“Doanh nghiệp có quyền đề xuất để tháo gỡ khó khăn, nhưng không phải, đề xuất nào cũng hợp lý và được chấp thuận. Việt Nam hiện vẫn áp dụng thuế ưu đãi 0% cho nhập khẩu quặng sắt và than. Dự kiến, trong 2 ngày tới, Bộ Công Thương sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề này,” vị này cho biết.

Những đòi hỏi này của Formosa gợi nhớ đến một kiến nghị trước đây của của nhà đầu tư Lion Group – Malaysia tại dự án thép Cà Ná (9,8 tỷ USD). Chủ đầu tư này đã từng xin Chính phủ Việt Nam “bảo hộ” cho sản phẩm thép trong hoạt động kinh doanh sau này, vì e ngại sự cạnh tranh ồ ạt của thép Trung Quốc.

Lẽ tất nhiên, kiến nghị của Lion Group không thể được chấp thuận vì đi ngược với qui tắc trong cam kết WTO và trong kinh tế thị trường. Tới nay, dự án này thép Cà Ná cũng sắp sửa bị rút giấy phép vì Lion Group không có khả năng tài chính.

Trước câu chuyện này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: doanh nghiệp có tâm lý kiến nghị tối đa nhu cầu của họ. Tuy nhiên, sẽ khó cho Chính phủ nếu như, chấp nhận ưu đãi lớn, khác biệt cho Formosa sẽ thành tiền lệ và sau này, khó lòng từ chối các “đòi hỏi” doanh nghiệp FDI khác.

 

Nguồn:Vietnamnet

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, những kiến nghị xin chính sách về miễn hạn mức tín dụng, miễn thuế nhà thầu hay cân đối ngoại tệ của Formosa là không hợp lý.

"Khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ đều đã được ưu đãi về thuế khóa năm đầu, về nhập khẩu thiết bị máy móc... Còn lại, về chính sách đầu tư, doanh nghiệp FDI cũng được đối xử công bằng như DN trong nước, không có ưu đãi riêng biệt nào.

Chính phủ không thể mở dự trữ ngoại tệ để đảm bảo cân đội ngoại tệ cho một một doanh nghiệp mà bản thân, doanh nghiệp phải dùng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu mà tự cân đối.

Tỷ lệ khống chế hạn mức tín dụng cho vay là nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Nếu không, khi doanh nghiệp phá sản, giải thể thì rủi ro rất lớn cho ngân hàng. Qui định này cũng là thông lệ hoạt động tín dụng quốc tế.

Cùng với thuế nhà thầu, các chính sách trên đều được qui định rõ trong Luật các tổ chức tín dụng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp lệnh quản lý ngoại hối. Nếu muốn thay đổi các qui định đó nghĩa là thay đổi luật, pháp lệnh và đưa ra Quốc hội."

ĐỌC THÊM