Các cơ quan liên quan đang xem xét những đề nghị của Dự án thép Formosa Hà Tĩnh theo hướng đề nghị nào hợp lý thì tạo điều kiện để triển khai nhanh dự án.
Các bộ, ngành liên quan đã tìm được điểm chung khi cùng ủng hộ đề nghị cho áp dụng mức thuế suất nhập khẩu là 0% đối với quặng sắt, than nhập khẩu trong suốt đời dự án mà Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đưa ra trong quá trình triển khai “siêu dự án thép” và cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh.
Các chuyên gia cho biết, tại Thông tư 216/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất nhập khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, thuế nhập khẩu quặng sắt, tinh quặng sắt, than để luyện cốc ở mức 0%. Về lâu dài, Việt Nam cũng cần khuyến khích việc nhập khẩu khoáng sản phục vụ nhu cầu trong nước và để dành mỏ cho thế hệ sau (như nhiều nước đang làm), nên đề nghị áp dụng thuế suất 0% đối với quặng sắt, than nhập khẩu suốt đời dự án của nhà đầu tư là có thể chấp nhận được.
Một quan chức của Bộ Công thương nhận định, các đề nghị của chủ đầu tư xuất phát từ thực tế triển khai dự án. Bộ Công thương cũng đã có cuộc làm việc với các cơ quan liên quan để xem xét những đề nghị này theo hướng đề nghị nào hợp lý thì tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai nhanh dự án.
Các chuyên gia của Bộ Công thương cũng cho rằng, đề nghị cho miễn áp dụng “hạn mức tín dụng cho vay là không quá 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam” là có cơ sở, bởi với nhu cầu vay khoảng 2 tỷ USD/năm, thì việc áp dụng hạn mức cho vay “không quá 15% vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam” sẽ khiến nhà đầu tư khó khăn.
Theo tính toán của Formosa, hiện ở Việt Nam có 12 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động có tổng vốn chủ sở hữu tại ngân hàng mẹ ở nước ngoài vào khoảng 413 tỷ USD. Nhưng căn cứ vào vốn chủ sở hữu tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, thì lượng vốn này chỉ còn 0,27 tỷ USD. Như vậy, khách hàng chỉ có thể vay được 0,04 tỷ USD.
Nhú vậy, để có thể vượt khung “hạn mức tín dụng 15% vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”, rất có thể, dự án phải được xem xét dưới góc độ của Khoản 1, Điều 79 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, tức là Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định mức cho vay tối đa với từng trường hợp cụ thể trong các trường hợp đặc biệt.
Liên quan đến đề xuất miễn thuế nhà thầu (10%) với các khoản lãi vay từ ngân hàng nước ngoài, chủ đầu tư cũng cho biết, hiện tại, một số nước như Hàn Quốc, Singapore đã miễn thuế này với các khoản vay nước ngoài để đầu tư vào các dự án trọng điểm. Theo Bộ Tài chính, luật pháp của Việt Nam không có quy định tương tự. Dẫu vậy, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư trong huy động vốn, phương án được nhắc tới là cho phép nhà đầu tư hạch toán khoản thuế này vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kiến nghị được áp dụng quy định về cân đối ngoại tệ theo Điều 16, Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mà nhà đầu tư đề cập tới cũng được các chuyên gia cho rằng có căn cứ. Nguyên do là, “siêu dự án thép” có hạng mục xây dựng Cảng nước sâu Sơn Dương cho tàu có trọng tải đến 300.000 tấn và nhà máy điện có công suất 1.500 MW (đã được Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Tổng sơ đồ 6). Ngoài ra, dự án này cũng đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn và dự kiến sử dụng số lượng lao động lớn (trên 10.000 người).
Ông Chu Xuân Phàm, đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh mới đây cũng khẳng định, những yêu cầu mà Formosa đưa ra dựa trên tình hình triển khai dự án. Nếu không được chấp nhận, Formosa vẫn phải làm, nhưng sẽ vất vả hơn.
Nguồn: Baodautu