Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Siêu dự án thép tại Việt Nam: Thực tế hay chuyện hoang đường?

Vài năm gần đây, nhiều dự án thép lớn tại Việt Nam đều đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ dự án triển khai rất chậm hoặc không khởi động. Liệu việc thực hiện những siêu dự án thép này có khả thi hay chỉ là chuyện hoang đường?

Những năm qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về sự bùng nổ của các dự án thép và khả năng cung vượt xa cầu, thế nhưng hàng loạt dự án thép lớn vẫn được cấp phép hoặc đang tiếp tục đề xuất với chính phủ và ban quản lý khu kinh tế địa phương để được tăng công suất. Trong đó phải kể đến 5 siêu dự án thép, đó là: dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất tại Quảng Ngãi của Liên doanh giữa Tycoon và E- United (Đài Loan), công suất 5 triệu tấn năm, được cấp phép từ năm 2006, hiện đang xin phép nâng cấp suất lên 7 triệu tấn/năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa được khởi động; dự án Liên hợp thép Vân Phong của Liên Doanh Posco (Hàn Quốc) và Vinashin tại Khánh Hòa, công suất 4,5 triệu tấn vào từ năm 2008 nhưng Chính phủ hiện nay Chính phủ đã từ chối cấp phép; dự án Liên hiệp thép Hà Tĩnh của Liên doanh Tata steel (Ấn Độ) với Tổng công ty thép Việt Nam và Tổng công ty xi măng Việt Nam, công suất 4,5 triệu tấn/năm đã xin cấp phép từ năm 2008 nhưng hiện vẫn đang chờ giấy phép; dự án Liên hợp thép Hà Tĩnh và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư tại Vũng Áng, công suất giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn/năm, dự án này đã từng bị trì hoãn và đăng ký giảm công suất giai đoạn 1 xuống 6,5 triệu tấn, nhưng bất ngờ là dự án này lại đang xây dựng kế hoạch công suất giai đoạn 2 tăng thêm 7,5 triệu tấn/năm; cuối cùng là dự án Liên hợp thép Cà Ná Tập đoàn Lion (Malaysia) và Vinashin tại Ninh Thuận với công suất 14,42 triệu tấn/năm, cấp phép từ năm 2007 nhưng không triển khai vì thế đã bị rút giấy phép.

Điều đó cho thấy, hầu hết các siêu dự án thép được cấp phép đã nhiều năm nhưng hầu như không triển khai, không một công ty nào tại Việt Nam hiện có đủ năng lực để triển khai dự án nhà máy thép công suất trên 10 triệu tấn/năm. Liên hợp thép Cà Nà, với công suất dự kiến 14,4 triệu tấn/năm là một ví dụ điển hình. Dự án liên doanh giữa tập đoàn Lion và Vinashin này bị rút giấy phép do thiếu vốn, năng lực quản lý yếu và thiếu kinh nghiệm trong ngành sản xuất thép.

Thực tế trên cũng là cảnh báo đểChính phủ xem xét lại tính khả thi khi cấp phép cho các dự án, mà cơ sở lớn nhất để cấp phép là phải dựa trên uy tín và năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cấp giấy phép cho những dự án tốt có tính khả thi và thu hồi giấy phép của những dự án không tiềm năng. Bởi các dự án thép liên hợp chỉ có thể thành công khi chủ đầu tư là những công ty có kinh nghiệm với nguồn lực tài chính lớn và công nghệ sản xuất thép hàng đầu.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, không khả thi khi xây dựng các nhà máy thép lớn tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/năm, vì việc xây dựng nhà máy thép có công suất 5 triệu tấn/năm cũng đã là một thách thức. Vấn đề cân nhắc ở đây là, trên thế giới, nhà máy thép xây dựng tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/nămlà rất hiếm và nếu đã xây dựng đều phải được tiến hành bởi các tập đoàn sản xuất thép rất nổi tiếng và có công nghệ sản xuất thép từ hơn 50 năm. Những tập đoàn này có năng lực chuyên môn, tài chính và công nghệ mạnh. Sẽ là phi thực tế nếu mong đợi các nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong sản xuất thép đầu tư vào các siêu dự án thép.

Thế nhưng, nếu điểm tên trong danh sách 20 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới có đủ năng lực triển khai các dự án thép trên 10 triệu tấn/năm thì duy nhất chỉ có Tata Steel (là nhà sản xuất thép xếp thứ 8 toàn cầu) đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù là tập đoàn có năng lực mạnh nhưng Tata Steel cũng chỉ khiêm tốn đầu tư vào Việt Nam dự án xây dựng nhà máy thép có công suất khiêm tốn nhỏ hơn 5 triệu tấn/năm. Còn những dự án thép công suất trên 7 triệu tấn/năm, thậm chí 14-15 triệu tấn/năm của các nhà đầu tư không có tiếng tăm trong ngành thép thế giới vào Việt Nam hoàn toàn không có tính khả thi, thậm chí là hoang tưởng.

Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy, các nhà máy thép công suất trên 10 triệu tấn/năm đều được xây dựng ở những quốc gia có nhu cầu nội địa rất lớn và để đảm bảo sự phát triển bền vững của nhà máy họ phải xuất khẩu được 30% lượng sản phẩm của mình. Nhưng hiện nay, công suất của các nhà máy thép tại Việt Nam đã vượt xa nhu cầu. Thử tưởng tượng, nếu các siêu dự án thép này với tổng công suất 40-50 tấn/năm khi đi vào hoạt động thì công suất sản xuất thép tại Việt Nam chắc chắn sẽ vượt gấp 3-4 nhu cầu trong nước (tính đến năm 2012 khoảng 15 triệu tấn) và thị trường xuất khẩu của ngành thép rất èo uột thì đâu là “lối ra” cho những siêu dự án này.

Với những lý do trên, chắc chắn trong vòng 15-20 năm tới, Việt Nam không thể trông đợi vào những siêu dự án thép cócông suất trên 10 triệu tấn/năm hay trên 5 triệu tấn/năm xây dựng tại 1 địa điểm mà không thể hoàn thành trong thời gian 5 năm.

Xét về tính khả thi, hiện duy nhất chỉ có dự án Liên hiệp thép Hà Tĩnh của Liên doanh Tata steel (Ấn Độ) với Tổng công ty thép Việt Nam và Tổng công ty xi măng Việt Nam, công suất 4,5 triệu tấn/năm là có khả năng hoàn thành trong thời gian 10 năm. Bởi Tata Steel là tập đoàn có năng lực mạnh, có kinh nghiệm 50 năm trong ngành thép. Tuy rằng so với các dự án thép đã được cấp phép đầu tư khác thì dự án thép này có vẻ chậm hơn nhưng có lẽ họ hiểu rõ về ngành thép hơn các nhà đầu tư khác và thời gian thực hiện như vậy là thực tế. Tuy nhiên, mặc dù là dự án có tính khả thi nhất nhưng cho đến nay dự án Liên hiệp thép Hà Tĩnh vẫn đang gặp phải một số rào cản và chưa được cấp giấy phép.

Vì thế khi cân nhắc những điểm trên, chính quyền địa phương và Trung ương của Việt Nam nên thận trọng cấp phép đối với những dự án thép lớn không có tính khả thi, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho các dự án khả thi đầu tư hiệu quả. Bất kỳ kế hoạch hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nào cũng cần xem xét tiến độ thực tế để ngân sách nhà nước được chi tiêu một cách hợp lý và cơ sở vật chất không bị bỏ phí. Chúng ta cần nhìn lại các dự án thép lớn đã đề xuất và được cấp phép đầu tư có thể chỉ để lại một câu chuyện hoang đường ở Việt Nam.

Nguồn tin: Baocongthuong

ĐỌC THÊM