Những đề nghị tăng thêm ưu đãi mới đây từ một số “siêu dự án” thép đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng, tiến độ triển khai các dự án này lại tiếp tục ì ạch.
Công ty Thép Guang Lian Steel Việt Nam, chủ đầu tư Nhà máy Thép Dung Quất đã đề nghị tới các cơ quan hữu trách việc nâng công suất Dự án từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm.
Trước đó, tháng 9/2006, Dự án Nhà máy Thép Dung Quất được cấp phép, với vốn đầu tư cả hai giai đoạn là 1,056 tỷ USD. Nhưng sau khoảng 1 năm ì ạch không triển khai, dự án này đã chuyển sang chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam, với vốn đầu tư tăng lên hơn 3 tỷ USD và công suất 5 triệu tấn thép thô/năm. Theo kế hoạch, sau khi đổi chủ, Dự án sẽ bắt đầu thi công xây dựng từ tháng 3/2008 và vận hành giai đoạn I vào tháng 10/2010; giai đoạn II sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2012.
Tuy nhiên, với lý do khủng hoảng kinh tế, Dự án đã không được triển khai theo kế hoạch. Thời gian gần đây, nhà đầu tư lại đề nghị tăng
quy mô công suất từ 5 triệu tấn thép/năm hiện nay lên 7 triệu tấn/năm. Đi kèm theo đó là vốn đầu tư tăng lên 4,1 tỷ USD. Lý do thay đổi công suất của Dự án được chủ đầu tư đưa ra là để “cạnh tranh tốt hơn với các siêu dự án thép khác đang có mặt tại Việt Nam”.
Điều dễ nhận thấy là, với đề nghị mở rộng quy mô này, nhà đầu tư nhẹ nhàng thoát khỏi các cam kết về tiến độ dự án. Trong khi đó, việc hỗ trợ nhà đầu tư, chấp thuận mở rộng quy mô dự án đương nhiên kéo theo nhiều khó khăn cho phía Việt Nam.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận xét, để đáp ứng quy mô mới, diện tích đất cho dự án phải tăng lên và cần giải phóng thêm mặt bằng. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng không bao giờ dễ dàng, nên nhà đầu tư lại có thêm cơ hội “thong thả” chờ phía Việt Nam gỡ rối.
Mặc dù lạc quan về việc chủ đầu tư sẽ triển khai dự án tại Dung Quất, nhưng ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng cho hay, chủ đầu tư này đang gặp khó khăn thực sự trong việc thu xếp vốn. Trước đây, họ đã đàm phán xong với các ngân hàng Mỹ và EU về việc vay vốn theo hợp đồng mua thiết bị. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã khiến nguồn vốn đó trở nên khó khăn, nên chủ đầu tư này phải quay sang vay nguồn khác.
Không chia sẻ sự lạc quan này, ông Cường cho rằng, việc tăng công suất của nhà đầu tư là sự hoãn binh nhằm kéo dài thời gian triển khai dự án. “Theo tìm hiểu mới đây của chúng tôi, các hạng mục công việc đã được triển khai chỉ khoảng 20 triệu USD. So với quy mô dự án 3 tỷ USD và như đề nghị mới đây là 4 tỷ USD, thì con số đó là quá ít”, ông Cường nói.
Điều đáng nói là, Dự án Nhà máy Thép Dung Quất không phải là trường hợp duy nhất khiến các cơ quan của Việt Nam bối rối trước viễn cảnh mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư, mà thực tế triển khai thì ì ạch. Tập đoàn Formosa với Dự án Khu liên hợp thép và cảng Sơn Dương (quy mô hơn 8 tỷ USD) cũng đang khiến cơ quan hữu trách phải “phân tâm” trong việc giám sát kế hoạch triển khai dự án.
Với Dự án của Tập đoàn Formosa, trong khi mải tranh luận về mức độ hợp lý của các đề nghị của nhà đầu tư, các cơ quan hữu trách có vẻ quên đi rằng, nếu các đề nghị của Formosa, như miễn 10% thuế nhà thầu, cung cấp cho dự án ngoại tệ thiếu hay miễn thuế nhập khẩu toàn bộ các nguyên vật liệu, vật tư tiêu hao trong suốt quá trình thực hiện dự án được chấp nhận, thì chắc chắn, sẽ có nhiều nhà đầu tư khác (cả trong và ngoài nước) xin được hưởng ưu đãi tương tự.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cường cho biết: “VSA mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của nước ngoài chậm triển khai, lưu ý khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án. Nếu tiến độ thực hiện kéo dài không có lý do chính đáng thì phải rút giấy phép để tránh lãng phí. Hơn nữa, diện tích chiếm đất của các dự án này rất lớn, nếu triển khai kéo dài sẽ gây thiệt hại cho địa phương và cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác muốn đầu tư vào Việt Nam”.
(baodautu.vn)