12 năm trước, dù chỉ là một đơn vị kinh doanh thuần túy, chưa có năng lực tổ chức sản xuất, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã có một quyết định quan trọng khi rẽ sang lĩnh vực gia công chế biến các sản phẩm thép. Tính đến thời điểm này, dù mới chỉ đầu tư hơn 750 tỷ đồng, nhưng SMC đã đưa vào vận hành 4 nhà máy và 3 liên doanh gia công, chế biến (coil center) thép một cách hiệu quả và thay đổi hoàn toàn vị thế của công ty trên thương trường.
Một hệ thống SMC quy mô
KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là nơi quy tụ rất nhiều công ty ngành thép đặt nhà máy để sản xuất, kinh doanh và phần lớn hệ thống coil center của SMC cũng đặt ở đây. Những ngày cuối tháng 3, nếu đi trên con đường dẫn vào KCN này, sẽ thấy nổi bật một tòa tháp giải nhiệt cao khoảng 25m, thuộc dự án tẩy mạ sản phẩm thép SMC đang gấp rút hoàn thành, có diện tích 10.000m2 và vốn đầu tư ban đầu dự kiến 125 tỷ đồng.
Dự án này được xây dựng trên phần diện tích đất trước đây, dùng để cất trữ hàng hóa, nằm ngay bên cạnh Nhà máy Cơ khí thép SMC, chuyên gia công các sản phẩm thép cán nóng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà máy Cơ khí thép sẽ phải tận dụng tối đa phần diện tích còn lại để cất trữ nguyên vật liệu, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu mở rộng hệ thống kho bãi của SMC hiện rất lớn. Ảnh: LONG THANH
Sự thông thoáng rộng rãi khi Nhà máy Cơ khí thép SMC được vận hành cách đây 6 năm trên khu đất 5,4ha giờ được thay bằng hệ thống nhà máy được xây dựng sát cạnh nhau, hàng hóa được xếp thành từng khu, tổ chức sản xuất quy củ chặt chẽ và tận dụng tối đa từng m2 đất trống.
Theo đó, khi hệ thống tẩy mạ được đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của SMC sẽ tiếp tục được củng cố theo hướng chuyên sâu và khép kín. Sản phẩm thép cán nóng sau khi được Nhà máy Cơ khí thép SMC xả băng theo từng quy cách khác nhau sẽ được chuyển sang cho nhà máy bên cạnh để tẩy rửa rồi chuyển tiếp sang giai đoạn mạ kẽm, sau đó được đưa đến tòa tháp 25m để giải nhiệt và xuất ra thành phẩm.
Thép tẩy mạ có thể đem ra tiêu thụ ngoài thị trường, hoặc trở thành nguyên vật liệu cho Nhà máy Ống thép SENDO, cũng là một đơn vị thành viên của SMC, để sản xuất sản phẩm ống thép.
Theo dự kiến ban đầu, dự án này sẽ đầu tư 1 máy tẩy và 1 máy mạ với công suất từ 120.000-150.000 tấn sản phẩm/năm và khi nhu cầu tăng có thể mua thêm máy móc để nâng công suất lên gấp đôi. “Với tốc độ phát triển hiện nay của SMC, một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi trong năm 2017 này là phải tìm kiếm thêm quỹ đất để mở rộng hệ thống nhà máy cũng như bổ sung năng lực cất trữ hàng hóa” - ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, cho biết.
Nhìn lại quá khứ đầy gian nan
Năm 2003, khi Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam ra đời, SMC cũng nhanh chóng đăng ký trở thành đại lý để đa dạng hóa chuỗi sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, thay vì chỉ tập trung vào thép xây dựng. Tuy nhiên, việc kinh doanh ban đầu rất phức tạp và bị động, nguyên nhân không nằm ở một sản phẩm mới mà nằm ở yêu cầu của khách hàng, khi đã mua thép lá đồng thời cũng có yêu cầu các tấm thép lá phải được xả băng, cắt theo quy cách, diện tích khác nhau.
Là một đơn vị kinh doanh thuần túy, khi đó SMC buộc lòng phải mua sản phẩm theo từng cuộn, rồi lại vận chuyển sang các nhà máy khác để gia công, chế biến theo yêu cầu, vừa tốn kém vừa mất thời gian. Thậm chí đôi khi các đơn vị gia công không xử lý đúng yêu cầu, hoặc chậm trễ các đơn hàng, SMC lập tức bị trách móc. Tình trạng phức tạp và vất vả trong hoạt động kinh doanh thép lá của SMC tiếp tục kéo dài đến năm 2005, sau khi công ty hoàn thành việc cổ phần hóa, giá trị tài sản với 97% là tài sản lưu động, hàng hóa, trong khi chỉ 3% tài sản cố định.
Vị thế trên thương trường hiện nay tạo điều kiện cho SMC có thể lựa chọn việc có nên làm hay không làm để bảo toàn nguồn lực, khác hẳn với cách đây 1 thập niên, khi chỉ là một đơn vị kinh doanh thuần túy doanh số, lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, những gì hiệu quả nhất, chất lượng nhất sẽ được SMC ưu tiên trong thời gian tới đây. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC |
Lời hứa sau khi cổ phần hóa sẽ tạo ra bước ngoặt trong hoạt động với các cổ đông, anh em CBCNV đã thôi thúc ông Nguyễn Ngọc Anh cùng ban lãnh đạo SMC ngồi lại với nhau để tìm ra một hướng đi đột phá, phát triển lâu dài, mục tiêu không gì hơn là cải thiện đời sống của CBCNV.
Mục tiêu đầu tiên được đề ra SMC cần phải xây dựng 1 kho hàng để có thể tồn trữ một số lượng lớn các sản phẩm thép, trong đó có thép lá. Thời điểm đó, SMC vẫn phải mang thép đi gửi ở nhiều kho, đa số lại không đủ tiêu chuẩn của kho kín, dẫn đến việc hàng hóa có thể bị rỉ sét, suy giảm chất lượng. “Khi đã có được kho chứa trên một diện tích đất lớn, chủ động được việc cất trữ hàng hóa, tại sao không tiến đến việc gia công, để chủ động hơn trong việc cung cấp sản phẩm” - một ý nghĩ lóe lên trong đầu vị thuyền trưởng SMC.
Năm 2005, qua sự giới thiệu của bạn bè thân hữu, SMC đã tiến hành khảo sát và dự định mở nhà máy tại KCN Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời điểm đó đã có những công ty sản xuất thép xây dựng, thép lá, tôn mạ tập trung. Nhưng ban lãnh đạo SMC khi đó cũng phải đắn đo một thời gian vì địa bàn đặt nhà máy cũng như kho chứa hàng hóa cách khá xa so với khu vực TPHCM và có thể gây trở ngại trong việc tiếp cận, quan hệ với khách hàng.
Sự đắn đo này xuất phát từ lịch sử hoạt động của SMC trong thập niên 90. Khi đó, SMC là một cửa hàng kinh doanh thép trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, trong khi thị trường và khách hàng lại tập trung chủ yếu ở chợ thép nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Dù cửa hàng nằm ngay mặt tiền đường, nhưng số nhà của SMC khi đó lại là 147/4A Ung Văn Khiêm, giống như nằm trong hẻm, buộc những người trong công ty phải vẽ một biển hiệu thật to để khách hàng, cũng như những người vận chuyển hàng hóa dễ tìm ra.
Rất nhiều tài xế xe tải hay ba gác, cùng khách hàng khi đó thắc mắc sao cửa hàng SMC đặt mặt tiền mà địa chỉ lại có “xiệc” (dấu cách). Và khi đó, có người còn gọi SMC là cửa hàng… Ngọc Anh. Điều này khiến những đối tác, khách hàng muốn giao tiếp với SMC cũng gặp những khó khăn nhất định.
Thay tư duy, đổi vị thế
Theo dự kiến cách đây 7 năm của ban lãnh đạo SMC, công ty sẽ đạt được sản lượng thép tiêu thụ 1 triệu tấn vào năm 2017 hoặc 2018, nhưng cuối cùng chỉ tiêu này đã được hoàn thành sớm hơn đến 2 năm (2015) và tiếp tục duy trì trong năm 2016. |
Vượt qua nhiều khó khăn, SMC triển khai nhà máy thép SMC đầu tiên trên một khu đất 2,3ha tại KCN Phú Mỹ 1, chuyên gia công sản phẩm thép lá cán nguội và đưa vào vận hành giữa năm 2007. Khi đó, SMC bỏ ra vài tỷ đồng để nhập dàn máy xả băng thép lá và chạy thử sản phẩm. Không có gì ngạc nhiên khi những lô hàng đầu tiên bị khách hàng chê tơi tả, thậm chí trả lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn tiếp tục động viên các cộng sự không nản chí, phải tìm mọi cách học được cách thức vận hành máy móc cũng như tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả. Nguyên tắc nghe khá đơn giản: mua hàng, cất trữ hàng hóa như thế nào để có thể gia công, và giao hàng đúng hẹn, tránh tình trạng tồn kho quá nhiều hoặc chậm tiến độ giao hàng. Nhưng thực tế lại là một thách thức cực lớn cho những người chỉ quen với hoạt động kinh doanh.
Đến đầu năm 2008, một quyết định táo bạo được ban lãnh đạo SMC đưa ra khi quyết định nhập về những dàn máy mới từ Đài Loan với giá thành lên đến vài triệu USD nhưng chất lượng gia công sản phẩm cũng tinh xảo hơn. Để đi đến quyết định này, người thuyền trưởng của SMC đã phải đi đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á để tham quan và học hỏi cách vận hành coil center. Có những nơi sẵn sàng chia sẻ, nhưng có chỗ cũng “giấu nghề”.
Và đây cũng là giai đoạn ban lãnh đạo SMC phải nhanh chóng định hình tư duy sản xuất cho mình. Một thí dụ đơn giản, nếu trong thương mại mua vào với giá 8 đồng, có thể bán ra 10 đồng, sau đó giá mua vào 9 đồng có thể nhanh chóng tăng giá bán thành 11 đồng; nhưng với sản xuất, hôm nay giá thành 8 đồng, bán ra 10 đồng, nhưng hôm sau giá thành 9 đồng cũng không dễ để tăng ngay thành 11 đồng.
Sản xuất hay gia công chế biến đòi hỏi sự nhất quán, ổn định trong vận hành ở mức cao nhất, đây có thể là thuận lợi cho doanh nghiệp tránh những biến động quá lớn trên thị trường thương mại, nhưng vận hành không khéo có thể lỡ mất những cơ hội.
Sau một thời gian nhập máy mới và đưa vào vận hành, SMC nhanh chóng tìm được những đơn hàng gia công chế biến thép lá cho các nhà sản xuất điện máy, xe máy từ nước ngoài với yêu cầu chất lượng rất cao. Thừa thắng xông lên, SMC tiếp tục đưa coil center thứ 2 là Nhà máy Cơ khí thép SMC đi vào hoạt động vào năm 2011 và tiếp sau đó là các coil center tại Hà Nội (SMC Hà Nội), TPHCM (SMC Tân Tạo). Hệ thống coil center lớn mạnh đã mở ra mối quan hệ của SMC với các nhà sản xuất thép lớn trên thế giới như China Steel (Đài Loan), Nippon Steel, Sumitomo (Nhật Bản), Hyundai Steel, Dongbu (Hàn Quốc)…
“Nếu không có hệ thống coil center, SMC sẽ không thể có được các mối quan hệ này, hoặc nếu có vị thế cũng rất thấp. Đối với các nhà sản xuất thép lớn trên thế giới, năng lực tài chính chỉ là điều kiện cần, có rất nhiều tiền chưa chắc đã mua được hàng hóa của họ, mà phải trải qua một quá trình thẩm định năng lực, uy tín, vị thế trên thương trường” - ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh. Giai đoạn 2008-2012, nhờ vào việc có thêm các dòng sản phẩm thép tấm, lá gia công, SMC đã giảm đi sự lệ thuộc vào mặt hàng thép xây dựng, góp phần đưa sản lượng, thị phần cũng như doanh thu, lợi nhuận gia tăng.
2015 có thể là 1 năm rất buồn cho SMC khi công ty lỗ gần 200 tỷ đồng (vốn điều lệ SMC 300 tỷ đồng), và mảng thép cán nóng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra khoản lỗ này. Nhưng cũng chính thép cán nóng đã đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong việc tạo ra mức lợi nhuận sau thuế kỷ lục 362 tỷ đồng vào năm 2016 của SMC, đây cũng là mức lãi kỷ lục của SMC sau gần 30 năm hoạt động.
Anh Trương Văn Minh, Giám đốc Nhà máy Cơ khí thép SMC, cho biết việc thua lỗ năm 2015 có thể khiến CBCNV SMC rất buồn, nhưng chưa bao giờ các anh em nghi ngờ vào độ cứng và vững trong hệ thống coil center nói riêng và toàn thể SMC nói chung. Minh chứng rất rõ ràng là SMC sai ở đâu, đứng lên ở đó, nếu hệ thống không vững, sẽ không thể phục hồi một cách ngoạn mục như vậy.
Vị thế của SMC cũng đồng thời dẫn đến những cái bắt tay với các đối tác nước ngoài với 3 liên doanh cùng với các tập đoàn đến từ Nhật Bản bao gồm SMC - Summit (liên doanh với Sumitomo), Nhà máy ống thép SENDO (liên doanh với Hanwa) và SMC - Toami (liên doanh với Toami và Hanwa).
Đầu tư cho con người
Đầu tư vào hệ thống coil center đã giúp SMC sớm đạt được sản lượng 1 triệu tấn, nhưng ít nhất trong 3 năm tới đây, gia tăng sản lượng sẽ không phải là mục tiêu tối thượng của SMC. Việc chỉ gia tăng 1% sản lượng của SMC lúc này, tương đương với 10.000 tấn thép sẽ khó hơn rất nhiều so với 5-10 năm trước. Mục tiêu quan trọng không kém sản lượng chính là gia tăng tỷ trọng cơ cấu của thép tấm lá, hiện đang ở mức 42% lên thành 50% trong những năm tới.
Đây vốn dĩ là một thách thức cực lớn, bởi ngoài việc 1% tương ứng với sản lượng 10.000 tấn, các sản phẩm thép tấm, lá qua gia công chế biến đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khác nhau của thị trường, có hàm lượng kỹ thuật, tự động hóa cao. Như vậy, hệ thống máy móc để gia tăng sự tinh xảo cũng như đa dạng hóa chuỗi sản phẩm sẽ phải được SMC đầu tư mạnh mẽ.
Ngoài hệ thống thép tẩy mạ, Nhà máy ống thép SENDO cũng là nguồn lực quan trọng để SMC thể hiện năng lực sản xuất gia công của mình. Nếu đối tác đến tiếp xúc và làm việc tại SENDO (cũng đặt tại KCN Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) những ngày gần đây, sẽ thấy một lượng thành phẩm cực lớn liên tục được đóng kiện để xuất khẩu.
Với khoảng 7 dàn máy sản xuất ống thép, hiện nay năng lực sản xuất tối đa của SENDO có thể lên đến 70.000-80.000 tấn/năm và dự kiến trong năm 2018 sẽ chính thức đạt mốc 100.000 tấn thép/năm. Đối với thép xây dựng, năng lực sản xuất tối thiểu hiện nay phải đạt từ 1 triệu tấn/năm trở lên mới có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Còn với ống thép, doanh nghiệp muốn tận dụng thời cơ của ngành sẽ phải sớm đạt được công suất 100.000 tấn ống thép/năm.
Tại buổi lễ tổng kết hoạt động kinh doanh 2016, sự phấn khởi đã thể hiện rõ nét trên từng gương mặt CBCNV SMC, đặc biệt với lời hứa từ Ban lãnh đạo SMC, nếu kết quả năm 2017 đạt tương đương 2016 mức thưởng sẽ tăng lên gấp đôi. Thực tế, lương thưởng là một phần rất quan trọng đối với mỗi CBCNV, nhưng có lẽ chừng đó chưa đủ để giữ chân con người trong những lúc khó khăn, đặc biệt năm 2015 đầy sóng gió của SMC. 750 tỷ đồng vốn đầu tư không phải số tiền lớn, nhưng hệ thống coil center lại phát huy hiệu quả cao độ, nhà máy nào cũng được xây dựng và vận hành rất nhanh chính nhờ đội ngũ CBCNV luôn cháy hết mình.
Một nhân viên trẻ của SMC cho biết, chưa bao giờ nghe thấy ban lãnh đạo SMC dùng những lời lẽ đao to búa lớn để động viên CBCNV, thay vào đó chỉ là những lời dặn dò đơn giản phải biết mình biết ta, vì nếu không biết chẳng khác nào làm như người mù, mò mẫm làm việc và mơ hồ về tương lai của mình. 90% lãnh đạo các đơn vị thành viên của SMC đều “đi từ cơ sở”, trở thành người điều hành với xuất phát điểm là nhân viên. Điều này cũng đã tạo ra những sự ngạc nhiên cho toàn thị trường vì nửa thập niên trước, nhân sự không phải là lợi thế của SMC, nhưng hôm nay công ty đã có được lực lượng kế cận dồi dào ở nhiều vị trí khác nhau.
Cũng phải nói thêm rằng, chiến lược nhân sự chưa bao giờ được SMC “tô đậm” trong kế hoạch của mình. Nguyên nhân không phải vì công ty không chú trọng, mà theo ông Nguyễn Ngọc Anh, do đặc thù của ngành thép, cũng như định hướng của SMC, chiến lược nhân sự phải có tính chất dài hạn và xuyên suốt.
Một nhân viên trẻ cần ít nhất 3 năm để hiểu về ngành thép và thực hiện 1 đơn hàng với sản lượng hàng ngàn tấn. Nhưng để cùng lúc thực hiện nhiều đơn hàng, cân đối được đầu vào, đầu ra và có thể trở thành quản lý còn phải tốn thêm thời gian đào luyện hơn nữa. Việc tuyển dụng, đào tạo cho nhân sự của SMC sẽ không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà phải có tính dài hạn và liên tục.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là công ty phải tạo ra niềm tin, sự gắn kết cho CBCNV không chỉ là một nơi làm việc mà là một gia đình thực sự. Chỉ khi như vậy, tất cả mới cống hiến hết mình tạo nên một khí thế và vị thế lớn cho SMC trên thương trường.
Nguồn tin: ĐTTC