Câu chuyện SMC lỗ khủng hoảng năm 2015 khi giá thép xuống kỷ lục. Đây là bài học to lớn cho Hội đồng quản trị SMC khi nhận định sai thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC) đã trao đổi với các nhà đầu tư tại TP.HCM về bão giá ngành thép và ứng phó của SMC.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị SMC - Ảnh: BizLVIE.
Năm 2015, SMC thua lỗ lớn. Tuy nhiên, năm 2016 SMC đảo ngược hoàn toàn khi xóa hết lỗ lũy kế sau nửa niên độ tài chính. Ngành thép còn tiếp tục biến động, xin ông cho biết SMC sẽ làm gì để tránh xảy ra thua lỗ?
Lý do thua lỗ của SMC trong năm 2015 đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đầu năm 2015, giá thép toàn ngành liên tục giảm mạnh, đây là yếu tố khách quan đến từ biến động thị trường không thuận lợi.
Tuy nhiên, sai lầm chủ quan là SMC đã tính toán sai khi tiếp tục nhập nguyên liệu giá thấp hơn với kỳ vọng bù lỗ khi giá thép tăng trở lại. Ban lãnh đạo công ty đã phân tích kỹ tình hình và rút ra kinh nghiệm cho sai lầm của năm 2015, đề ra định hướng quản trị của công ty trong năm 2016 để hạn chế thua lỗ.
Đến năm 2016, SMC kiên trì thực hiện theo những mục tiêu đã đề ra, gồm: giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí, giảm vay vốn ngân hàng; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của công ty. Với tình hình thị trường hiện nay, theo tôi, giá thép đang có xu hướng tăng, nhưng không bền vững. Do vậy, SMC vẫn lựa chọn giới hạn định mức hàng tồn kho cho toàn hệ thống chỉ vào khoảng 120 nghìn tấn đối với toàn bộ các sản phẩm của công ty, bao gồm cả thép xây dựng và thép dẹt.
SMC đặt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2016 chỉ 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng trong quý 3/2016, công ty đã lãi 58 tỷ đồng.
Vậy xin ông cho biết lợi nhuận quý 4 của công ty dự báo khoảng bao nhiêu?
Lợi nhuận sau thuế cả hệ thống dự kiến đạt 320-330 tỷ năm 2016.
Xin ông cho biết dự báo biến động giá thép trong năm 2017?
Giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới, phụ thuộc nhiều vào giá dầu do ngành thép là ngành tiêu hao năng lượng lớn, phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những DN gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.
Vậy dự kiến doanh thu và biên lợi nhuận gộp 2017 của SMC là bao nhiêu? Nhà máy sản xuất ống thép có giúp cải thiện biên lợi nhuận nhiều không và có thể đạt bằng các doanh nghiệp thép lớn trên thị trường như HPG (Thép Hòa Phát) hay không?
Việc so sánh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau là rất khó. Ngay bản thân trong ngành thép xây dựng, tỷ suất lợi nhuận biên giữa HPG và POM (Thép Ponima) cũng có khoảng cách. Với SMC – gia công chế biến nhiều và kinh doanh nhập khẩu phân phối biên lợi nhuận thấp. Nếu có sự cải thiện trong biên lợi nhuận thì do đột biến giá là chủ yếu.
Cổ đông của SMC đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2016 cho Công ty Hanwa (Nhật Bản) với tỷ lệ 15%, giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm dự kiến 30/6/2016. Sau đó, Hội đồng quản trị lại thông qua giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ là 18.000 đồng/ cổ phần, thấp hơn giá trị sổ sách của SMC tại ngày 30/6/2016 là 21.813 đồng/ cổ phần.
Ông giải thích về quyết định này?
Cơ sở để Hội đồng quản trị công ty đi đến thống nhất mức giá phát hành 18.000 đồng/cổ phần dựa trên 2 lý do.
Thứ nhất, Hanwa là đối tác chiến lược của SMC, đã hợp tác kinh doanh lâu năm, tạo được uy tín và hiệu quả kinh doanh giữa hai bên. Vì thế, Hanwa muốn có được ưu đãi giảm giá so với mức giá dự kiến 22.000 đồng/cổ phần (mức giá SSI đã tư vấn).
Thứ hai, giá giao dịch cổ phiếu SMC trên sàn tại thời điểm đàm phán giá phát hành riêng lẻ dao động trong khoảng 17.000-18.000 đồng/ cổ phiếu. Do vậy, Hội đồng quản trị đã họp, cân nhắc và thống nhất phát hành riêng lẻ cho Hanwa ở mức giá 18.000 đồng/ cổ phần, là mức giá phù hợp và thu hút nhà đầu tư.
Vậy câu chuyện thua lỗ của năm 2015 có tạo ra cú sốc lớn với doanh nghiệp?
Thua lỗ đương nhiên là cú sốc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong kinh doanh, chuyện thua lỗ là điều tất yếu xảy ra. Tôi cho rằng, giai đoạn vừa qua là giai đoạn khó khăn của ngành thép, không chỉ SMC mà rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng chứng kiến sự thua lỗ này. Ngành thép là ngành có giá trị lớn, việc giá thép thay đổi 5%-10% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.
Đối mặt với giai đoạn khó khăn, điều quan trọng của doanh nghiệp là có một bộ máy công ty chia sẻ, đoàn kết vượt qua khó khăn. SMC luôn đặt ra mục tiêu: không tạo sự đặc biệt, chỉ có lợi thế khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề.
Nguồn tin: Bizlive