Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

SMC: vững vàng trong khó khăn

Năm 2014 khép lại với những thuận lợi đan xen khó khăn đối với doanh nghiệp ngành thép Việt Nam. Như thường lệ, đây cũng là thời điểm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC “tính sổ” năm cũ và hoạch định phương hướng hoạt động của năm mới.

Những sản phẩm gia công bằng máy cán la có thể đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà sản xuất cơ khí, hoặc trong ngành trang trí nội thất…

 Năm 2014: sản lượng tiêu thụ vượt kế hoạch

Năm 2014 ngành thép Việt Nam nói chung, SMC nói riêng, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan như chủ trương hạn chế xe chở quá tải khiến chi phí vận chuyển tăng gấp đôi nhưng không thể điều chỉnh giá bán; Thông tư 44 về quy chuẩn thép khiến thị trường xáo trộn; Sức mua thị trường yếu, giá thép liên tục giảm; liên tục trong quí 3 không mua được hàng Secondary từ Nhà máy Huyndai do gặp phải cạnh tranh từ các nhà nhập khẩu Ấn Độ mua với giá cao hơn từ 15 – 20 đô la Mỹ/tấn.

Tuy nhiên, bằng sự điều chỉnh linh hoạt, năm 2014 SMC vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định. Cụ thể, SMC đã phát triển hệ thống khá mạnh với bảy công ty thành viên và một công ty liên doanh với tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Trong đó có bốn nhà máy gia công Coil Center, hai nhà máy chế biến thép cán nóng và hai nhà máy chế biến thép cán nguội, công suất lên đến 300.000 tấn/năm. Vào cuối năm, SMC đã đầu tư thêm một hệ thống xả băng cán nguội, nâng tổng số lên 10 hệ thống cắt, xả thép các loại. Song song với việc mở rộng hệ thống, sản lượng tiêu thụ thép dẹt (tấm, lá, mạ) của SMC cũng chiếm tỷ trọng cao với 38,7%, đạt 335.360 tấn. Với kết quả này, từ doanh nghiệp thuần túy thương mại, SMC đã chuyển mạnh sang lĩnh vực gia công chế biến có năng lực lớn.

Đặc biệt, trong năm qua SMC đạt sản lượng tiêu thụ ấn tượng với 867.378 tấn, bằng 116% kế hoạch đề ra cho cả năm và hoàn thành mục tiêu chiến lược năm năm (2011 – 2015) là 800.000 tấn. Đây là bước phát triển ấn tượng trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều.

Năm 2015: chú trọng chất lượng tăng trưởng

Theo dự báo, năm 2015 kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm sút và giá dầu thô thế giới chìm sâu sẽ tác động mạnh đến ngành thép. Dự báo năm 2015 ngành thép Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 4-5% so với năm 2014 nhưng mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại…

Bên cạnh đó, việc thực hiện các hiệp định thương mại song phương, đa phương, cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Hàn Quốc, Nga, Belarus… Các hoạt động cạnh tranh cả trong lẫn ngoài nước cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Tại Việt Nam, hàng loạt dây chuyền sản xuất thép ra đời như Vina Kyoei, Posco SS, Formosa góp phần tăng cung mạnh mẽ, các nhà sản xuất buộc phải giảm giá và bán hàng trực tiếp cho khách hàng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thép xây dựng được dự báo vẫn còn rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn những giải pháp linh động, phù hợp để tiếp tục giữ sự tăng trưởng tích cực. Theo đó, công ty sẽ không quá chú trọng về số lượng mà tập trung vào phương châm “chất lượng - hiệu quả” là ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Ngọc Anh, năm 2015 SMC sẽ nâng dần tỷ lệ thép dẹt trong tổng cơ cấu tiêu thụ với tỷ lệ vượt mức 40% (hơn 340.000 tấn), đảm bảo sử dụng tốt công suất hệ thống máy móc thiết bị, từng bước mở rộng và nâng cao giá trị các sản phẩm thép sau gia công chế biến. Đặc biệt, công ty sẽ tranh thủ cơ hội khi có đột biến về giá thép trên thế giới và thị trường tiêu thụ các loại thép dẹt ngày càng mở rộng...

“Năm 2015 các dự án sản xuất thép xây dựng mới nhiều, chênh lệch lợi nhuận rất thấp, không đủ trang trải các khoản chi phí thường xuyên. Do đó, SMC không đặt tăng sản lượng tiêu thụ mà nhắm vào khách hàng chủ yếu là các dự án FDI và các dự án có nguồn vốn an toàn; xây dựng quan hệ với các nhà sản xuất có chính sách bán hàng tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Ngọc Anh dự báo.

Trong khi đó, về xuất nhập khẩu, SMC ưu tiên đảm bảo nhập khẩu thường xuyên, kịp thời với giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu chế biến và kinh doanh cho toàn hệ thống, hạn chế tồn kho vượt định mức hoặc tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Đối với xuất khẩu, công ty nỗ lực giữ thị trường cũ và từng bước mở rộng thị trường mới, khách hàng mới, tập trung vào các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao.

Năm 2015, SMC vẫn sẽ tập trung cho nhà máy ống thép hàn, phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ hơn 20.000 tấn. “Dự kiến từ 2 - 3 năm nữa, SMC sẽ lọt vào nhóm doanh nghiệp có sản lượng ống thép lớn tại Việt Nam”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2015 của SMC

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn

ĐỌC THÊM