- Trong vài năm trở lại đây, cả nước đã có vài chục dự án đầu tư vào lĩnh vực thép được cấp phép và hầu hết nằm ngoài quy hoạch ngành thép đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt trước đó. Trong đó các địa phương cấp 24 dự án với không ít dự án sử dụng thiết bị và công nghệ lạc hậu dễ gây ô nhiễm môi trường.Trong số 7 tiêu chí của công văn số 8017 sẽ được áp dụng vào quý 4 năm 2009 vừa được Bộ Công thương ban hành thì tiêu chí bảo đảm tính bền vững và an toàn môi trường là tiêu chí nổi bật nhất.
Cụ thể, những dự án ở khu vực có nguồn quặng tập trung thì dung tích lò phải cao tối thiểu 700m³, đối với các dự án sử dụng quặng nhập, bố trí tại khu vực ven biển dung tích lò cao tối thiểu phải 1.000m³, đồng thời tất cả các dự án phải sử dụng thiết bị đồng bộ, chế tạo mới… Theo lý giải của Bộ Công thương các tiêu chí này phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới trong sản xuất gang thép để bảo đảm khả năng xử lý ô nhiễm môi trường.
Khai thác khoáng sản, luyện cán thép… là những ngành có những tác động lớn đến môi trường. Các nước đang phát triển đang là mục tiêu ưu tiên đầu tư số một của các tập đoàn lớn trên thế giới vì ở các nước này họ có thể “thanh lý” được công nghệ lạc hậu mà họ đang tồn kho. T
rong khi đó, tại Việt Nam thời gian qua, việc cấp phép đầu tư các dự án thép được xem là tương đối “thoải mái” đã khiến không ít nhà đầu tư đổ vào “xí đất” để đó, việc làm này vừa phá vỡ quy hoạch và tạo ra sự chênh lệch giữa cung và cầu… Chính vì vậy, thời gian tới các chủ đầu tư những dự án nằm ngoài quy hoạch phải báo cáo với bộ, xem xét trình thủ tướng cho phép bổ sung vào quy hoạch.
Tiêu chí đã được ban hành, mong rằng các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần quyết liệt thực hiện dù biết rằng có thể chúng ta mất đi một vài nhà đầu tư nhưng vì sự phát triển bền vững và vì lợi ích lâu dài của đất nước, chúng ta không thể chấp nhận và không thể làm ngơ trước những dự án, nhà đầu tư chỉ xem trọng lợi nhuận mà tàn phá môi trường của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Việt Nam cần những nhà đầu tư sạch.