Chỉ số giá thép Trung Quốc tính đến ngày 14/8/2017 đã tăng cao vượt mức đỉnh đạt được trong quý đầu năm.
Sau khi giá thép đạt được mức giá cao đem lại kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2016 cho các doanh nghiệp trong ngành thì giá thép có xu hướng giảm cho đến cuối tháng 4 và đi ngang tháng 5 khiến lợi nhuận quý II/2017 nhiều đơn vị bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kể từ tháng 6, giá thép liên tiếp phục hồi và tính đến giữa tháng 8/2017 đã vượt mức cao nhất trong 4 năm.
Tính đến ngày 14/8/2017, chỉ số giá thép tại thị trường Trung Quốc đạt 101,36 điểm, tăng 10,6% so với quý trước và tăng 46,69% so với năm trước; nhóm sản phẩm thép dài đạt 115,77 điểm, tăng 7,95% so với quý trước và tăng 54,77% so với năm trước; nhóm sản phẩm thép dẹt cũng đạt 90,62 điểm, tăng 14,55% so với quý trước và 41,73% so với năm trước.
Triển vọng giá thép cuối năm sẽ còn khả quan hơn nữa. Theo Công ty sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp dự báo giá thép Trung Quốc từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng hơn nữa do Bắc Kinh tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu thép trong nước. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc mạnh tay thặt chặt nguồn cung thép trong mùa đông sắp tới nhằm bảo vệ môi trường, làm sạch không khí. Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà máy sản xuất thép chất lượng thấp buộc phải đóng cửa để giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay.
Đặc điểm của ngành thép trong nước là phụ thuộc vào diễn biến giá thép của thế giới mà chủ yếu là Trung Quốc do đất nước này chiếm đến một nửa sản lượng thép toàn thế giới. Việc giá thép đi xuống trong quý II đã khiến nhiều đơn vị ngậm ngùi báo lãi giảm do độ trễ chênh lệch thời điểm tăng giảm giữa giá đầu vào và đầu ra, tức là giá sản phẩm đầu ra giảm nhưng doanh nghiệp đã phải tồn kho nguyên vật liệu giá cao mua trước đó và ngược lại. Như vậy, diễn biến giá thép tăng cao trở lại trong tháng 7, 8 lại là niềm vui cho nhiều doanh nghiệp thép có tồn kho lớn từ các quý trước.
Xét về con số tuyệt đối, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) là đơn vị có hàng tồn kho tính đến cuối quý II cao nhất với 10.955 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho thành phẩm 3.754 tỷ và tồn kho nguyên liệu, vật liệu 3.277,6 tỷ đồng; đồng thời tồn kho hàng mua đang đi trên đường và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cũng khá lớn với lần lượt 1.249 tỷ và 1.457,7 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) cũng không kém cạnh với lượng hàng tồn kho 5.654 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với thời điểm đầu năm. Chiếm khá áp đảo trong lượng hàng tồn kho của HSG với tỷ lệ 44% chính là nguyên liệu, vật liệu 2.518 tỷ đồng, theo sau đó là thành phẩm đạt 1.642 tỷ đồng. Đóng góp vào mức tăng hàng tồn kho 14%, tức tăng 686 tỷ so với thời điểm đầu năm chính là mức gia tăng trong hàng tồn kho nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp gia tăng mạnh hàng tồn kho so với đầu năm phải kể đến là Sản xuất và Kinh doanh Kim Khí (HNX: KKC), Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) và Thép Nam Kim (HOSE: NKG) với tỷ lệ lần lượt 30,5%, 26,1% và 23,8%.
Cụ thể, KKC tăng tích trữ hàng tồn kho hàng hóa từ 48,7 tỷ lên 67,2 tỷ, đồng thời cũng tăng nguyên liệu và thành phẩm nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ hơn 139 triệu và 129 triệu đồng. Còn TLH tăng tồn kho nguyên liệu, vật liệu hơn gấp đôi so với đầu năm từ mức 305,5 tỷ lên 689 tỷ đồng trong khi tồn kho hàng hóa thì giảm từ 1.061 tỷ xuống 999 tỷ đồng. Còn NKG tăng gần 500 tỷ hàng tồn kho so với đầu năm chủ yếu là do tồn kho thành phẩm tăng từ 668 tỷ lên 1.074,4 tỷ đồng trong khi tồn kho nguyên vật liệu, tồn kho công cụ, dụng cụ, hàng hóa hầu như không thay đổi hay giảm nhẹ.
Chiều ngược lại, Thép Việt Ý (HOSE: VIS), Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), Thép DANA – Ý (HNX: DNY) lại giảm hàng tồn kho.
Tồn kho nguyên liệu, vật liệu của VIS đã giảm mạnh từ 506 tỷ xuống 307,5 tỷ kéo theo tổng tồn kho giảm 20% xuống 488,6 tỷ tính đến cuối quý II/2017. SMC cũng giảm hàng tồn kho 18,5% so với thời điểm đầu năm nhưng do tồn kho hàng hóa chỉ còn 388,5 tỷ đồng, giảm 41% so với thời điểm đầu năm trong khi tồn kho nguyên vật liệu giảm nhẹ 3% còn tồn kho thành phẩm tăng từ 107 tỷ lệ 163 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, DNY không còn tồn kho hàng mua đang đi đường và hàng tồn kho nguyên liệu, vật liệu giảm từ 682 tỷ xuống còn 594 tỷ đã khiến tổng hàng tồn kho giảm 4,1% bất chấp tồn kho thành phẩm tăng 27% lên 378 tỷ đồng.
Tin vui khác cho các doanh nghiệp thép trong quý III/2017 là theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), hàng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 7 đạt 908.008 tấn, tăng 21,44% so với tháng trước và tăng 39,2% so với cùng kỳ, đây là mức bán hàng trong tháng cao thứ 2 trong vòng 3 năm trở lại đây (mức sản lượng bán hàng cao nhất đạt 1.011.577 tấn vào hồi tháng 3/2016).
Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng của cả nước đạt 5.182.848 tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2016. Doanh số bán hàng thép các loại trong nước đạt 5.139.029 tấn, tăng tương ứng là 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thép xây dựng 7 tháng đạt 541.377 tấn, tăng 75%.
Nguồn tin: NDH