Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong 5 năm tới, các nền kinh tế đang nổi sẽ "vượt mặt" các nền kinh tế phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra bản báo cáo “gây sốc” này dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về GDP toàn cầu và tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi.
Giới phân tích kinh tế cho rằng đến năm 2015, tầng lớp trung lưu từ Đông Nam Á đến Mỹ Latinh có thể sẽ phát triển bùng nổ, trong khi đầu tư tư nhân và công cộng phát triển. Khi đó, theo Phó Chủ tịch WB phụ trách lĩnh vực giảm nghèo và quản lý kinh tế Otaviano Canuto, các nước đang phát triển đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu, là đầu tàu tăng trưởng mới giúp kinh tế thế giới phát triển, trong khi các nước công nghiệp phát triển vẫn "giậm chân tại chỗ".
Tuần trước, nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard cũng đưa ra nhận định rằng trái ngược với đà tăng trưởng thấp tại các nước giàu, các nước đang phát triển sẽ tăng trưởng ở mức rất cao. Thực tế cho thấy các nền kinh tế đang phát triển đã giúp đẩy nhanh quá trình thoát khỏi khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, điển hình là việc Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới trong quý vừa qua.
Hiện hầu hết các nền kinh tế đang nổi đều “tự thân vận động”, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tạo điều kiện cân bằng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế quốc doanh, tìm ra các loại hàng hóa có giá trị cao và theo kịp công nghệ tiên tiến trên thế giới. Kể cả khi trao đổi thương mại bị “bão tài chính” làm chao đảo, các nhà kinh tế của WB vẫn dự đoán kim ngạch thương mại giữa các nước đang phát triển sẽ tăng cao, tạo nên các dòng sản phẩm đa dạng trong thương mại thế giới. Việc tăng qui mô và số lượng các quỹ đầu tư hợp tác cho thấy tỷ lệ đầu tư “Nam-Nam” đang không ngừng tăng nhanh.
Tuy nhiên, các điều kiện cụ thể của các nền kinh tế đang nổi không giống nhau. Khu vực Mỹ Latinh có điều kiện phát triển nhanh và bền vững, trong khi khu vực Đông Âu và Trung Á lại là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính. Điều quan trọng là phải tăng cường khả năng cạnh tranh giữa các nước.
Theo báo cáo của WB, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu về tốc độ hồi phục, song vẫn cần tiến triển hơn trong việc hòa nhập kinh tế và khả năng thích nghi với môi trường biến đổi. Đó là lý do vì sao Trung Quốc vẫn đang mở rộng thị trường tiêu thụ và dịch vụ nội địa. Ưu tiên của Nam Á là giảm thâm hụt tài chính và kiểm soát các khoản nợ, trong khi khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi lại tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Trung Đông và Bắc Phi vẫn cần tạo điều kiện phát triển thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới và thúc đẩy hơn nữa việc đưa phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế.
Báo cáo của WB cho rằng với những thay đổi trong thương mại cũng như nhận rõ những mặt tích cực và hạn chế trong chích sách kích thích kinh tế, chắc chắn các nền kinh tế đang nổi có thể sẽ tạo nên một kỳ tích trong tương lai không xa.
Nguồn: Tamnhin.net