Mặc dù, đang hoạt động hết công suất vẫn không đủ thép thành phẩm phân phối tới hệ thống đại lý, nhưng nghịch lý là CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang phải xem xét khả năng cắt giảm tới 50% công suất để giảm lỗ trong trường hợp sức ép giảm giá để bình ổn thị trường quá lớn.
Nhiệm vụ bất khả thi
Ông Phạm Đức Việt, Trưởng phòng Kinh doanh TISCO, cho biết: "TISCO là một DN lớn của TCT Thép Việt Nam, giữ lợi thế chủ động được 50% lượng phôi từ nguồn quặng sắt trong nước. Hiện nay, các dây chuyền cán thép của TISCO đang hoạt động hết công suất nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, thép xuất kho phải phân phối cho hệ thống đại lý theo ngày.
Giá thép TISCO xuất xưởng đang ở mức 14,2-14,7 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng gần 4 triệu đồng so với đầu năm. Thế nhưng nhà sản xuất không được hưởng lợi trong việc giá thép tăng nóng thời gian qua. Bởi thời điểm này hầu hết các nguyên liệu đầu vào có mức tăng giá 40-80% so với cuối năm 2009, gây áp lực lớn lên giá thành. Nhiều nhà cung cấp nguyên liệu cho TISCO muốn phá bỏ hợp đồng đã ký kết và sẵn sàng chấp nhận nộp phạt 2% giá trị hợp đồng. Số tiền phạt tính theo giá trị hợp đồng rất lớn, nhưng lại nhỏ hơn nhiều so với chênh lệch từ biến động giá".
Theo ông Việt, mặc dù đã điều chỉnh giá bán nhiều lần từ đầu năm, nhưng TISCO chỉ tính đủ chi phí nguyên liệu đầu vào, bảo đảm sản xuất có lãi ở mức chấp nhận được. Do vậy, trong trường hợp buộc phải giảm giá để bình ổn thị trường, TISCO đã dự kiến trước khả năng tạm ngừng sử dụng phôi thép nhập khẩu, chỉ sử dụng phôi trong nước để luyện thép, nhằm giảm lỗ.
Nếu tình huống này xảy ra, công suất của TISCO sẽ giảm khoảng 50%, tình trạng khan hiếm sản phẩm nặng nề hơn. Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt với nguy cơ lỗ tiềm ẩn vì hiện nay phải nhập khẩu phôi thép giá cao, trong khi giá thép có thể hạ nhiệt trong tương lai gần. Theo dự báo của Phòng Kinh doanh TISCO, khoảng tháng 6-2010, giá thép sẽ điều chỉnh giảm.
Từ tháng 4-2009, TISCO đã hoạt động theo mô hình CTCP, nhà nước giữ tỷ lệ chi phối. Công ty luôn chủ động tham gia bình ổn thị trường thép, nhưng áp lực bảo đảm cổ tức cho các cổ đông cũng rất lớn. 6 tháng cuối năm 2009, tỷ lệ cổ tức của TISCO chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với một số DN sản xuất thép có thương hiệu mạnh tương đương TISCO, không thuộc TCT Thép Việt Nam. Năm 2010, TISCO đặt kế hoạch cổ tức đạt 9%, để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2011. như vậy nhiệm vụ bình ổn thị trường và mục tiêu bảo đảm lợi nhuận đang đẩy TISCO vào thế khó.
Dây chuyền sản xuất thép của TISCO. Ảnh: THU HƯỜNG |
Không có chuyện TISCO đầu cơ
Quý I-2009 TISCO cung cấp ra thị trường 157.000 tấn thép, trong đó tỷ lệ tiêu thụ qua hệ thống đại lý trực thuộc công ty đạt trên 70%, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2009.
Theo quy định, các đại lý phải bảo đảm bán đúng giá công ty ra thị trường. Giám đốc các chi nhánh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lãnh đạo công ty về công tác quản lý, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Việt, vẫn không đủ cơ sở khẳng định có hay không việc gom hàng đầu cơ chờ tăng giá của các DN thương mại.
Tại hệ thống đại lý của TISCO và 2 nhà phân phối chính thức là DN Trung Dũng (Hà Nội) và DN Viết Hải (Hà Tĩnh), tỷ lệ thép tồn kho cao nhất cho phép là 3.500 tấn. Ông Việt khẳng định không có tình trạng đầu cơ trong hệ thống TISCO, nhưng việc các DN thương mại gom hàng từ các đại lý rồi ém hàng, không tung ra thị trường vượt ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Hiện nay, nguồn cung đang căng thẳng từ nhà máy thép, nhưng dòng thép chảy về đâu chưa thể khẳng định được. Để làm rõ vấn đề này, cần có sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường. Theo kinh nghiệm tham gia bình ổn thị trường nhiều năm của TISCO, trong giai đoạn thị trường thép biến động, DN không phân phối tập trung cho khách hàng lớn, mà áp dụng cơ chế phân phối theo ngày.
Thời gian tới, TISCO sẽ chủ động giao dịch trực tiếp với các nhà thầu xây dựng lớn và áp dụng chế độ bán hàng theo giá công ty tới tay người tiêu dùng tại hệ thống đại lý của TISCO trong cả nước.
SGGP