Dây chuyền sản xuất thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát.
Dù liên tiếp phải hứng chịu những vụ kiện, bị áp thuế chống bán phá giá từ nước ngoài, cũng như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại thị trường trong nước, nhưng ngành thép việt nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% trong năm nay. Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đa dạng thị trường, cải tiến kỹ thuật để tăng trưởng và phát triển bền vững.
ÁP LỰC LỚN
Hiện nay, ngành thép đang đứng ở tốp đầu các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng xuống. Tính đến hết tháng 8 năm nay, có 128 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Trong đó, có tới 85% số vụ điều tra khởi kiện liên quan đến ngành thép.
Trong một tháng qua, Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với gần 10 vụ kiện PVTM đến từ bảy thị trường khác nhau. Điều này đã đưa ngành thép trở thành ngành có áp lực chịu kiện PVTM lớn nhất và dự báo các sản phẩm từ thép sẽ gặp nhiều khó khăn trong XK thời gian tới.
Ngay tại thị trường trong nước, chúng ta phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thép nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. Bởi cũng như Việt Nam, những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung; chi phí sản xuất tăng; lợi nhuận giảm do giá lao động, các quy định về môi trường và thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm khi XK, nhất là sau chiến tranh thương mại với Mỹ,... Trước xu hướng này, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư của mình sang các nước khác hoặc tích cực hỗ trợ các DN sản xuất thép di dời nhà máy ra nước ngoài.
Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, sản lượng thép Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm qua, đạt 803 triệu tấn, nhưng nhu cầu nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Với 131 triệu tấn thép dư thừa, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong chín tháng qua, sản xuất thép trong nước tăng trưởng tốt, đạt hơn 17,6 triệu tấn, tăng 14,4% so cùng kỳ; tiêu thụ đạt gần 16 triệu tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ, trong đó XK đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Tính chung tám tháng năm 2018, lượng thép nhập khẩu của nước ta chỉ còn 10 triệu tấn, giảm 16,5% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc hơn 4,4 triệu tấn, giảm 16% so với cùng kỳ, nhưng vẫn chiếm 47% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Có thể thấy, việc Trung Quốc XK lượng lớn thép sang Việt Nam không còn là câu chuyện xa lạ.
Những năm trước, năng lực sản xuất thép nước ta chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu, cho nên việc nhập khẩu từ Trung Quốc được xem là yếu tố tích cực cho ngành sản xuất, xây dựng trong nước. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, dù đã giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc do sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu nhưng nước này vẫn tiếp tục đẩy một phần lượng thép dư thừa sang Việt Nam bằng mọi biện pháp, từ hạ giá đến các chính sách hỗ trợ XK. Vì vậy, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước bị nghi ngờ là nơi trung chuyển thép Trung Quốc sang các nước khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ XK thép của nước ta.
Theo Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa, việc các nước nghi ngờ thép Trung Quốc “lẩn tránh xuất xứ” đội lốt thép Việt Nam sẽ khiến các DN trong nước bị ảnh hưởng rất nhiều trong việc XK, nhất là từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra. Mỹ chắc chắn đã để mắt hơn đến luồng hàng hóa Trung Quốc thông qua Việt Nam vào nước này, không cẩn trọng có thể thép Việt Nam bị “vạ lây” trong chiến lược XK của mình. Nghiêm trọng hơn, nếu các DN trong nước tiếp tay cho thép Trung Quốc nhập vào rồi gắn nhãn mác Việt Nam để xuất sang Mỹ, thì nguy cơ này lại càng lớn. Lúc này, Mỹ và các nước hoàn toàn có thể ra lệnh trừng phạt đối với ngành thép Việt Nam. Mặt khác, khi thép Trung Quốc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam để tràn vào. Trong trường hợp không XK được, đưa ra tiêu thụ tại Việt Nam thì điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép trong nước hiện cũng đang trong tình trạng dư thừa.
Cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các DN thép trong nước vẫn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Đó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu có giá thành rẻ. Vì vậy, để đối phó với một khối lượng lớn thép Trung Quốc giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam và né tránh được các vụ kiện không đáng có, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, các DN sản xuất thép trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay. Để làm được điều này, các DN thép cần tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín, nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, có tiềm năng phát triển rất lớn như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo. Đồng thời, phải chủ động được nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tiềm năng XK tốt và biên lợi nhuận cao. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu để bảo vệ các DN trong nước; tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho DN
Nguồn tin: Nhandan