Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sức nóng cạnh tranh trên thị trường thép thế giới

Trước sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và Hàn Quốc, hai "đại gia" Nhật Bản là Nippon Steel Corp và Sumitomo Metal Industries Ltd đã quyết định sáp nhập để trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới với tên gọi Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp.

Cú hợp nhất lịch sử

Với quyết định lịch sử này, Nippon Steel & Sumitomo Metal đã vươn lên vị trí thứ hai toàn cầu, chỉ đứng sau ArcelorMittal SA có trụ sở tại Luxembourg với sản lượng 46,1 triệu tấn thép/năm. Sự kiện này rất có thể sẽ thổi bùng làn sóng sáp nhập trong ngành thép thế giới đang phải đối mặt với tình trạng cầu không theo kịp cung.

Thương vụ của của hai "đại gia" thép Nhật Bản đã hình thành một liên minh đầu tiên trong ngành này, sau vụ sáp nhập lịch sử của Kawasaki Steel và NKK Corp hồi năm 2002 tạo thành JFE Holdings Inc.

Theo giới quan sát, Nippon Steel & Sumitomo Metal giữ vị trí chi phối thị trường Nhật Bản nhờ có quan hệ làm ăn với các hãng ôtô hàng đầu của "xứ sở hoa anh đào" như Toyota, Nissan và Honda cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các công ty hay doanh nghiệp thương mại như Mitsui & Co., Mitsubishi và Sumitomo Corp để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.

Tân Tổng giám đốc Nippon Steel & Sumitomo Metal, ông Shoji Muneoka cho rằng thép vẫn là một ngành công nghiệp đang phát triển trên khắp thế giới và tập đoàn có kế hoạch tăng sản lượng tới 60-70 triệu tấn/năm. Vị lãnh đạo này lạc quan nói thêm: “Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành tập đoàn thép số một thế giới về cả chất lượng lẫn số lượng."

Phát biểu với báo chí hồi tháng trước khi Nippon Steel và Sumitomo Metal Corp chưa sáp nhập, ông Muneoka từng khẳng định: "Chúng tôi sẽ kéo chi phí sản xuất xuống mức thấp hơn để cho phép chúng tôi cạnh tranh với các hãng thép từ các nước đang nổi lên. Khả năng cạnh tranh về chi phí của chúng tôi vẫn yếu, nhưng hàng hóa của Nhật đắt đỏ hơn một phần còn do đồng yen mạnh lên."

Theo kế hoạch, Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp. sẽ hợp lý hóa các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trong nước, thúc đẩy kế hoạch tiết kiệm 150 ten (1,9 tỷ USD)/năm trong vòng ba năm sau khi sáp nhập. Còn về lâu dài Tập đoàn cũng sẽ cân nhắc đóng cửa các lò luyện thép.

Sức ép từ Trung Quốc

Trên thị trường trong nước thì triển vọng nhìn chung là sáng sủa, nhưng trên quy mô toàn cầu thì Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp vẫn tiếp tục phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng thép lớn của Trung Quốc và Hàn Quốc đang mở rộng thị phần ở châu Á thông qua các chiêu tăng năng suất và giảm giá thành.

Posco (Hàn Quốc), nhà sản xuất thép lớn thứ tư thế giới, đang giành những hợp đồng cung ứng thép ôtô cho các hãng ôtô Nhật Bản. Trong khi Baoshan Iron & Steel của Trung Quốc, nhà sản xuất thép đứng thứ ba thế giới, cũng đang mở rộng kinh doanh nhờ nguồn nhân lực giá rẻ. Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh của ngành thép toàn cầu chưa hết u ám khi giá thép giảm nhanh do nhu cầu sụt giảm.

Theo giới phân tích, tình trạng xuất khẩu thép ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây của Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung thép trên toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty thép trên thế giới, từ tập đoàn thép khổng lồ ArcelorMittal lớn nhất thế giới cho đến U.S. Steel Corp (Mỹ).

Trong tháng 6/2012, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng lên mức 2 triệu tấn/ngày, mức cao thứ hai trong lịch sử sau khi đạt kỷ lục 2,02 triệu tấn hồi tháng 4/2012.

Theo cuộc thăm dò ý kiến do Bloomberg News tiến hành, sản lượng thép hàng ngày của Trung Quốc hiện đã cao gấp hai lần sản lượng thép hàng ngày của cả Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại, song Trung Quốc vẫn có thể duy trì đà này và tăng 5,4% lên mức kỷ lục 720 triệu tấn trong năm 2012, bỏ xa mức tiêu thụ trong nước.

Trong bối cảnh đó, các hãng thép Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ thép ở nước ngoài do nhu cầu thép tại thị trường trong nước đang giảm. Giá thép tại Trung Quốc hiện đã rớt xuống mức thấp trong hai năm qua.

Alan Price thuộc Wiley Rein LLP, luật sư đại diện về thương mại cho công ty thép lớn nhất về mặt thị trường của Mỹ Nucor Corp., nhấn mạnh: "Thép xuất khẩu của Trung Quốc đang trực tiếp 'tước đoạt' doanh số bán hàng từ tay các công ty thép của Mỹ. Hiện có rất nhiều khả năng xuất khẩu một loạt sản phẩm thép của Trung Quốc đang được bán phá giá trên thị trường."

Trước tình hình này ArcelorMittal đã đóng cửa nhiều nhà máy ở châu Âu (như Tây Ban Nha, Bỉ) hoặc để chúng trong tình trạng “nhàn rỗi” do nhu cầu thép yếu đi, trong khi công ty U.S Steel có trụ sở tại Pittsburgh trong năm nay đã phải bán đi một chi nhánh không sinh lời.

Mức thua lỗ của Tata Steel, một đại gia thép của Ấn Độ, cũng tăng 90% trong quý 4/2011. ThyssenKrupp AG, công ty thép lớn nhất của Đức, cho rằng “sự cạnh tranh khốc liệt” sẽ kìm hãm lợi nhuận hồi phục trong sáu tháng cuối năm nay.

Ngay sau khi có thông tin sáp nhập từ hai đại gia Nhật Bản, ArcelorMittal thông báo sẽ đóng cửa hai lò luyện thép tại Pháp sau 14 tháng tạm dừng hoạt động và ra thời hạn chót là 2 tháng để chính phủ Pháp tìm khách mua.

Hồi tháng Tám vừa qua cả Sumitomo Metal và Nippon Steel khi chưa sáp nhập đều nhận định sẽ bị thua lỗ tổng cộng 240 tỷ yen trong vòng sáu tháng tính tới cuối tháng 9/2012 do một số nhà máy thép không thể hoạt động kinh doanh như mong đợi. Chủ tịch Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp, Hiroshi Tomono chỉ rõ việc phục hồi lợi nhuận “phụ thuộc vào việc làm sao tập đoàn có thể loại bỏ tình trạng lãng phí”.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép châu Âu (Eurofer), tình trạng đóng cửa nhà máy thép tại châu Âu là khó tránh khỏi vì nhu cầu chỉ vào khoảng 160 triệu tấn, nhưng sản lượng đã lên tới 210 triệu tấn (chưa tính làn sóng thép nhập khẩu từ Trung Quốc). Còn Hiệp hội Thép Thế giới cho rằng tiêu thụ thép tại Liên minh châu Âu sẽ giảm 1,2% năm nay, ngược dòng với mức tăng 25% hồi năm 2007./.

Nguồn tin: (TTXVN)

ĐỌC THÊM