Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức khủng hoảng toàn cầu”, do báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM ngày 9.9.2010, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới đã ra khỏi vùng đáy suy thoái trong nửa đầu năm, nhưng đà phục hồi sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2010.
“Thoát đáy” nhưng phục hồi chậm
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đến thời điểm hiện nay có thể nói, kinh tế thế giới đã thoát khỏi vùng đáy của suy thoái, tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế có phầm chậm. Ông Mại đưa ra dẫn chứng, mới đây (ngày 22/7/2010), Tập đoàn Citigroup đưa ra dự báo, GDP thế giới năm 2010 có thể tăng trưởng 3,7%, tốc độ tăng trưởng của năm 2011 có thể đạt 3,3%. Như vậy hai mức dự báo trên giảm 0,1% so với trước đó. Tăng trưởng GDP của Mỹ bị điều chỉnh giảm 0,4% xuống 2,8%. Tăng trưởng GDP năm 2010 của Trung Quốc được điều chỉnh giảm 1% xuống mức 9,5%. Tốc độ tăng trưởng năm 2011 có thể đạt 8,8%, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó.
Citigroup dự báo nhóm nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 5,8% trong năm 2011, thấp hơn lần lượt 0,2% và 0,1% so với dự báo trước đó. Citigroup cho rằng kinh tế Nhật năm 2010 có thể tăng trưởng 3,6%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đây. Tăng trưởng GDP của Nhật năm 2011 có thể là 1,9%, thấp hơn 0,2% so với dự báo lần gần nhất.
Dự báo khác của IMF (Tháng 7/2010) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên 4,3% trong năm 2010; ADB (ngày 20/7/2010) cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2010 của 14 nền kinh tế Đông Á lên 8,1% so với mức dự báo 7,7% (Tháng 4/2010). Tương tự, ADB cũng dự báo tăng trưởng của toàn bọ 45 nền kinh tế đang phát triển bộ khu vực Châu Á là 7,9% năm 2010, tăng so với dự báo 7,5% (tháng 4/2010). Dự báo cho năm 2011 vẫn ở mức 7,3%. Chủ tịch IMF Dominique Strauss-Kahn (ngày 11/7/2010) nhận định rằng thế giới đang ở đoạn cuối của khủng hoảng tài chính.
Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2010, song nhiều dự báo đưa ra trong tháng 7/2010 đã thống nhất nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2010.
Tình trạng thất nghiệp và thâm hụt tài khoá cao vẫn là hai cản trở chính đối với quá trình phục hồi tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, trong khi đà phục hồi “nóng” của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi lại đặt Chính phủ của họ trước bài toán “ngưng chính sách kích thích” để đạt được sự tăng trưởng bền vững hậu khủng hoảng.
Theo ông Mại, rõ ràng dòng vốn đầu tư gián tiếp chảy ra hay chảy vào quá nhiều trong một thời gian ngắn đều không tốt và cần sẵn sàng có những biện pháp điều tiết trong cả hai trường hợp. Do đặc điểm của sự phục hồi kinh tế là không đều, có thể trong nửa cuối năm 2010 sẽ xuất hiện sự “bất đối xứng” trong các ưu tiên chính sách vĩ mô giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi.
Kỳ vọng FDI vào Việt Nam
Theo một báo cáo về FDI toàn cầu thì trong nhóm các nước mới nổi- BRIC (Brazin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất, sau đó đến Việt Nam và một vài nước khác. “Năm 2009, đã diễn ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng ODA cho Việt Nam được các nhà tài trợ cam kết vào cuối năm 2009 là 8 tỷ USD. Đây là con số khá hấp dẫn với nhiều nước đang phát triển, thể hiện tín hiệu lạc quan, vì họ tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam mới cam kết tài trợ như vậy”, ông Mại nhận định, đồng thời cho biết, đánh giá của thế giới thì Việt Nam là một trong những nước đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Để tận dụng và phát huy được thế mạnh này, theo ông Mại, cần có cơ chế đủ mạnh để các doanh nghiệp được vay lại vốn ODA từ Chính phủ phải thực hiện có hiệu quả và phải hoàn lại cả vốn và lãi đúng thời hạn. Thực hiện các cam kết quốc tế trong khung khổ WTO, AFTA, FTA ASEAN- Trung Quốc theo hướng dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan và hài hòa hóa hải quan, mở cửa thị trường nội địa từ ngày 1/1/2009. Phải nâng cao chất lượng FDI. Theo đó, cần điều chỉnh về quan điểm, nhận thức FDI với kinh tế vùng và địa phương. Không nên đặt ra vấn đề có bao nhiêu dự án FDI vào một địa phương, mà cần phải xác định được vốn FDI vào địa phương đó thì có lợi gì, ngân sách được cái gì, cộng đồng được cái gì và liệu chúng ta có phải giá về sự ảnh hưởng đến môi trường hay không?
Năm 2010 là năm cuối cùng của chiến lược kinh tế-xã hội 2001-2010, do vậy cần phải tổng kết FDI bằng những khảo sát có hệ thống, dựa trên những hoạt động thực tiễn của nhà đầu tư và thị trường nhằm đánh giá đúng thành tựu và đóng góp của FDI, những khiếm khuyết cần khắc phục bao gồm cả chính sách, quản lý nhà nước, phân cấp cho các địa phương…để có được cơ sở thực tiễn làm căn cứ sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách FDI phù hợp với các định hướng và mục tiêu của chiến lược mới.
Nguồn: Baodautu