Áp lực tăng lên
Ông Nguyễn Thế Hiển, giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh sắt thép ở H.Bình Chánh, TP.HCM, cho rằng áp lực kinh doanh hiện nay là rất lớn. “Vừa qua tết lại chịu ngay tác động của việc tăng tỷ giá, nên DN phải tính toán lại giá thành. Trong khi việc bán hàng không thể ì ạch vì lãi suất vẫn phải trả cho ngân hàng trong tháng qua. Cùng với tỷ giá, lãi suất ngân hàng (LSNH) và sắp tới giá sắt thép thế giới có thể tăng 3 - 4%, coi như DN gánh chịu khó khăn từ rất nhiều phía”, ông Hiển than thở. Theo ông Hiển, kể từ đầu tuần này, các DN ngành thép chắc chắn sẽ điều chỉnh giá bán, có thể tăng 6 - 7%.
Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, cho rằng trong thời gian qua, do vay tiền đồng LS quá cao nên nhiều DN đã vay USD với LS thấp hơn sau đó chuyển đổi qua tiền đồng. Với tình hình tỷ giá tăng hiện nay, những DN này lãnh đủ khi phải gánh thêm 9,3% tăng tỷ giá, bên cạnh LS vay là 6%/năm. “Điều chỉnh tỷ giá là cần thiết nhưng điều chỉnh trong thời điểm lạm phát và LS không bình thường hiện nay thì DN phải chịu gánh nặng cả tỷ giá và LS”, ông Minh lo lắng.
Cơ hội cho DN xuất khẩu
Các DN xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn nhờ tỷ giá tăng. Theo ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, thì cái lợi lớn là khi tỷ giá tăng sẽ hạn chế hàng nhập khẩu, giúp DN sản xuất trong nước tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh. Bởi nếu tỷ giá thấp thì các DN có cơ hội nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và bán kiếm lời thoải mái, hàng nội khó phát triển. Trong bối cảnh VN nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, nhập siêu chiếm gần hết “rổ nhập siêu” của VN, thì hàng hóa của nước láng giềng nhập khẩu vào sẽ có giá đắt đỏ, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho sản phẩm trong nước.
Các DN xuất khẩu thì rất phấn khởi bởi lẽ trước đây, 10 USD thu về quy đổi được 190.000 đồng trong khi bây giờ sẽ là 210.000 đồng. Lợi thế tỷ giá này là cơ sở để công ty của ông Thành điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, cộng đồng DN đang phản ứng hai chiều rõ rệt trong đợt tăng tỷ giá mới đây. Ông Minh cho rằng hiện nay các DN không chỉ nhập khẩu hàng tiêu dùng mà còn nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. “Bằng cách này, DN tái tạo ra ngoại tệ để trả cho NH. Cho nên, phải cẩn trọng trong việc cho vay USD để DN sử dụng với mục đích nào. Nếu để mua máy móc thiết bị sản xuất cần được xem xét hỗ trợ LS. Các DN nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ phải tự cân đối. Không thể áp dụng chính sách LS cào bằng được. Hiện lãi vay NH bình quân là 20%/năm, cộng chi phí nữa thì DN khó kiếm lời lắm”, ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, rất có thể có DN không đầu tư nữa mà đem tiền gửi NH, “điều đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế”, ông Minh khuyến cáo.
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành:Cần có biện pháp hỗ trợ DN
“Tăng tỷ giá để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu nhưng với lãi vay NH 20%/năm hiện nay thì hàng hóa của DN xuất khẩu cũng khó có cơ hội cạnh tranh ở nước ngoài, bởi DN nhiều nước được hưởng mức LS có 3%/năm. Nên làm gì cũng phải hỗ trợ sản xuất, chứ nền sản xuất hàng hóa yếu thì dĩ nhiên sẽ lạm phát và nhập siêu. Tôi thấy ở nhiều nước người ta chống lạm phát bằng cách siết đầu tư công, siết đầu tư vào những dự án không hiệu quả...”. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM:DN cần tính toán lại cách làm ăn “Một chính sách bất kỳ nào cũng có tác động tiêu cực và tích cực lên những nhóm đối tượng. Việc điều chỉnh tỷ giá lần này là đương nhiên bởi không thể để tình trạng kéo dài cách biệt tỷ giá chợ đen và trong NH. Trên thực tế đồng tiền mất giá cỡ đó từ lâu rồi, các DN nhập khẩu cũng khó mua ngoại tệ với danh nghĩa như vậy. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao tạo niềm tin giữ giá trị đồng tiền, đừng để mất giá. Đối với các DN thì cần tính toán lại phương án làm ăn”. N.T.T |
Thanh niên